Bắc Kạn: Hỗ trợ nhà nông gắn sản xuất với bảo vệ môi trường



Thời gian qua, cùng với việc tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân Bắc Kạn đã chú trọng việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện tiêu chí về môi trường...

Mô hình trồng rau an toàn ở xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông.
Tổ hợp tác trồng rau an toàn của Hội viên nông dân xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) là một trong những mô hình phát triển tốt và có hiệu quả. ông Nguyễn Văn Tuần ở thôn Nà Tu là tổ trưởng tổ sản xuất chia sẻ: Gia đình có 1.200m2 đất ruộng chuyên canh rau quanh năm. Được tham gia tập huấn về kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, theo ông, sản xuất rau an toàn không khó, chỉ cần tuân thủ đúng quy trình, hiệu quả kinh tế cao hơn, lại không gây độc hại cho sức khoẻ của người sản xuất cũng như tiêu dùng.

Hay như mô hình chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học của anh Dương Trí Dũng ở thôn Nà Pẻn, xã Cẩm Giàng cũng cho hiệu quả rất tốt. Anh Dũng cho biết: Giá thành để làm đệm lót sinh học này chỉ từ 1 triệu đồng trở lại, nhưng hiệu quả rất cao. Các vi sinh vật có lợi trong chế phẩm dùng làm đệm lót sinh học sẽ phân huỷ các chất hữu cơ có trong chất thải của lợn, đặc biệt là phân huỷ các chất gây mùi hôi thối. Vì vậy, khi sử dụng đệm lót sinh học không tốn công dọn chuồng, giảm chi phí do không sử dụng thuốc sát trùng để khử trùng chuồng trại trong quá trình nuôi.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Giàng Trần Văn Toàn cho biết: Hiện nay, việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn đã được nhiều hộ trên địa bàn xã áp dụng. Việc triển khai, nhân rộng mô hình chăn nuôi trên nền chuồng đệm lót sinh học không những tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp như: trấu, mùn cưa… mà còn phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, phòng tránh được dịch bệnh. Hơn nữa, đây là mô hình dễ áp dụng, kinh phí đầu tư không lớn, thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người chăn nuôi.

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HND của Hội Nông dân Việt Nam “Về nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập huấn, chuyển giao cho nông dân kỹ thuật và áp dụng những mô hình canh tác mới thân thiện với môi trường; sản xuất theo quy trình an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất an toàn; chăn nuôi theo quy trình VietGAP; ứng dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi để thay thế dần các loại thuốc hoá học độc hại; sử dụng phân bón theo quy trình khép kín; sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi thành phân bón cho cây trồng làm giảm ô nhiễm môi trường… Từ đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nông dân trong sản xuất.

Hội cũng phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp được 911 buổi/42.849 lượt hội viên tham gia. Hội thành lập các tổ sản xuất nông sản sạch như: Tổ sản xuất rau an toàn ở Cẩm Giàng (Bạch Thông), tổ hợp tác trồng bí xanh thơm ở Địa Linh (Ba Bể), tổ trồng rau sạch ở Cao Trĩ (Ba Bể), tổ hợp tác trồng rau an toàn tại thành phố Bắc Kạn; xây dựng mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học tại xã Cẩm Giàng (Bạch Thông)… Các tổ hợp tác, mô hình này đều do hội viên, nông dân quản lý. Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, sản xuất nông sản sạch được nhân rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, sức khỏe của cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện mô hình “Năm không, ba sạch”,”Sạch nhà, tốt ruộng” gắn với việc triển khai xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện công tác vệ sinh môi trường mỗi gia đình 01 lò đốt rác thải. Cung ứng 160 lít chế phẩm EM trong sản xuất nông nghiệp và xử lý môi trường, tổ chức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được 199 buổi với 9.984 lượt người tham gia. Đồng thời, triển khai hỗ trợ xây dựng mới 25 lò đốt rác thải theo nhóm hộ gia đình tại huyện Bạch Thông, Na Rì và thành phố Bắc Kạn…

Những hoạt động, mô hình trên đã giúp hội viên nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giữ gìn môi trường nông thôn ở địa phương ngày càng xanh – sạch – đẹp./.

Nguồn: Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng