Bạn đã biết những gì về sự kiện Giờ Trái Đất năm 2017?



Hàng ngàn địa danh sẽ tắt đèn trong 1 giờ đồng hồ trong tháng này, trong khi hàng triệu người trên khắp thế giới sẽ tổ chức các buổi gây quỹ. Năm nay, sự kiện môi trường lớn nhất thế giới - Giờ Trái Đất sẽ bước sang tuổi thứ 10.

Hàng trăm triệu người tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ thể hiện sự quan tâm của họ với hành tinh của chúng ta bằng cách tắt đèn trong vòng 1 tiếng đồng hồ từ 8 giờ 30 tối.

Dưới đây là những thông tin cần biết về sự kiện này, để bạn có thể đóng góp công sức và tham gia bằng cách tắt đèn.

Giờ Trái Đất là gì?

Giờ Trái Đất là phong trào cơ sở vì môi trường lớn nhất thế giới do WWF tổ chức. Sự kiện này lần đầu ra mắt tại Sydney năm 2007, trong nỗ lực phổ biến về biến đổi khí hậu đến với công chúng rộng rãi hơn.

Tới nay, sự kiện này đã được tổ chức tại tất cả các châu lục, ví dụ, ở Argentina, Giờ Trái Đất đã giúp huy động sự ủng hộ của công chúng để tạo ra một khu vực bảo vệ môi trường biển rộng 3,4 triệu ha, trong khi ở Uganda, nhiều cộng đồng và doanh nghiệp tại địa phương đã xây dựng nên khu rừng Giờ Trái Đất đầu tiên.

“Chúng tôi khởi động Giờ Trái Đất năm 2007 để cho các nhà lãnh đạo thấy rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề mà tất cả mọi người quan tâm,” Siddarth Das, giám đốc điều hành Giờ Trái Đất toàn cầu cho hay.

“Việc khoảnh khắc biểu tượng đó trở thành phong trào toàn cầu như ngày nay nói lên rất nhiều điều về vai trò đầy quyền lực của người dân trong những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống của họ.”

Giờ Trái Đất diễn ra khi nào?

Giờ Trái Đất 2017 sẽ diễn ra vào thứ Bảy, ngày 25/3 vào lúc 8 giờ 30 (giờ địa phương), khi hàng triệu người tại 170 quốc gia trên thế giới tắt đèn trong vòng 1 giờ đồng hồ để chứng minh họ quan tâm đến tương lai hành tinh của chúng ta.

Vì sao mọi người lại tắt đèn?

Giờ Trái Đất không chỉ xoay quanh việc tiết kiệm được bao nhiêu năng lượng trong vòng 1 tiếng đồng hồ, mà là hướng sự chú ý đến những vấn đề của hành tinh và truyền cảm hứng cho mọi người sống một cách bền vững hơn.

Ý tưởng là những lựa chọn người dân đưa ra và những hành động họ làm sau khi Giờ Trái Đất kết thúc có thể giúp giảm những tác động của biến đổi khí hậu với hành tinh, các sinh vật hoang dã và những thế hệ sau.

“Mỗi một ngọn đèn tắt đi là một lời nhắc nhở rằng mọi người hiểu họ là một phần không thể tách rời trong hoạt động khí hậu,” Das chia sẻ. “Sự quyết tâm tập thể này là điều chúng ta cần để giải quyết thử thách khí hậu căng thẳng nhất mà hành tinh chúng ta từng phải đối mặt.”

Những địa danh nào sẽ tắt đèn năm nay?

Hàng ngàn địa danh đã tham gia tắt đèn hồi năm ngoái, bao gồm tòa nhà Empire State, tháp Eiffel ở Paris, nhà hát Opera Sydney và những tòa nhà chọc trời ở Thượng Hải.

Năm nay, hàng chục địa điểm nổi tiếng của Anh đã gia nhập danh sách này, bao gồm Điện Buckingham, tòa nhà Gherkin, vòng đu quay London Eye, Big Ben, Harrods, Olympia London, tháp BT, tháp OXO và Canary Wharf (quảng trường One Canada).

Sân vận động của các đội bóng đá như Liverpool, Arsenal và Queens Park Rangers cũng sẽ chìm vào bóng tối.

Những địa điểm đáng chú ý khác bao gồm Brighton Pier, lâu đài Windsor, nhà thờ Durham Cathedral, tượng điêu khắc Thiên thần phương Bắc và tháp Radio City ở Liverpool.

Nhiều di sản thế giới UNESCO cũng có truyền thống tham gia sự kiện, bao gồm đồi Acropolis ở Athens và lâu đài Edinburgh, và hàng nghìn trường học cũng đóng góp bằng cách tắt đèn.

Bạn có thể đóng góp một phần công sức bằng cách nào?

WWF cho biết cách hưởng ứng Giờ Trái Đất hoàn toàn phụ thuộc vào từng cá nhân trong vòng 1 giờ đó – miễn là họ tắt đèn.

“Không phải là bạn phải ngồi trong bóng tối suốt 1 tiếng đồng hồ,” đại diện WWF nói. “Bạn có thể đọc cuốn sách yêu thích, tham gia cùng bạn bè trong một bữa tiệc tối thắp nến, hay ngắm sao cùng những người bạn yêu thương.”

WWF đã liệt kê một danh sách 60 điều bạn có thể làm trong bóng tối cho những người cần một chút gợi ý. Nếu bạn tham gia Giờ Trái Đất, bạn có thể điền tên mình vào trang web chính thức của sự kiện để nói với cả thế giới, cũng như xem những người khác đang làm gì qua bản đồ.

Bạn quyên góp bằng cách nào?

Khi những tòa nhà tắt điện, mọi người sẽ được mời nêu ý kiến về hoạt động khí hậu trên Facebook qua nền tảng Donate Your Feed (quyên góp bài đăng).

Những người ủng hộ có thể chia sẻ cam kết của họ với hành tinh bằng cách ủng hộ năm bài đăng Facebook trên timeline cá nhân cho Giờ Trái Đất.

Nếu không, bạn có thể lập trang gây quỹ của riêng mình và khuyến khích mọi người ủng hộ, hay quyên góp qua trang web earthhour.wwf.org.uk/fundraising/./.

Nguồn: VNA

Tin khác đã đăng