Đà Nẵng: Quy hoạch đất ven biển còn nhiều bất cập



Cùng với sự đô thị hóa ngày càng nhanh, TP. Đà Nẵng đang thu hút rất nhiều dự án, đặc biệt là các dự án ven biển. Bên cạnh những lợi ích kinh tế trước mắt mà các dự án mang lại, nhiều chuyên gia cũng đang cảnh báo Đà Nẵng về tác động ngược của các dự án này.

Việc xây dựng tuyến đường sát mép biển, ngoài việc không còn chỗ cho mảnh đất vàng có mặt tiền là “sông nước” chứ không phải mặt tiền “đường” thì nó còn phá đi một hệ sinh thái tồn tại tự nhiên bao đời nay

Đường sát biển – quy hoạch thiếu tầm nhìn

Tuyến đường ven vịnh Đà Nẵng hay còn gọi là tuyến đường Liên Chiểu – Thuận Phước nay là đường Nguyễn Tất Thành. Tuyến đường dài hơn 13km được đấu nối từ đầu đường Trần Phú, Bạch Đằng, Đống Đa chạy ôm theo Vịnh Đà Nẵng tới Liên Chiểu. Con đường này khi hình thành, ban đầu nó chạy ven bờ biển qua bãi tắm Thanh Bình, qua các khu nhà ổ chuột ở phường Xuân Hà… tới cửa sông Phú Lộc là hợp lý. Nhưng khi đã ra ngoài khu vực này, đi qua bãi cát, rừng phi lao của bãi tắm Xuân Thiều thì việc đưa con đường ra sát mép nước là một sự phí phạm vô cùng sự ưu đãi của thiên nhiên.

Việc xây dựng tuyến đường sát mép biển, ngoài việc không còn chỗ cho mảnh đất vàng có mặt tiền là “sông nước” chứ không phải mặt tiền “đường” thì nó còn phá đi một hệ sinh thái tồn tại tự nhiên bao đời nay, đó là dải cây xanh phòng hộ ven biển. Sau khi phá đi dải cây xanh phi lao lâu năm ven biển, nay lại phải trồng lại một dải cây phi lao mới nho nhỏ phía ngoài kè.

Chưa hết, tuyến đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc, đây là tuyến đường ven biển nối từ bán đảo Sơn Trà, qua các bãi tắm Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước rồi nhập vào con đường cũ từ thời Pháp nối Đà Nẵng với Cửa Đại Hội An.

Từ chân núi Sơn Trà, mở một tuyến đường rộng tới 15m chạy ven theo mép nước biển đều đều tới bãi tắm Mỹ Khê, cắt ngay phía trước một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Mỹ Khê (T20) và tiếp tục phá luôn rừng phi lao (T18) chạy tiếp tới bãi tắm Bắc Mỹ An. May mắn thay khi tuyến đường chạy tới đây gặp khu resort Furama nên phải dừng lại và tuyến đường sau khi đi vượt qua Furama đã chạy xa mép biển hơn nên giờ đây Đà Nẵng mới có được một dải đất quý giá của hàng loạt dự án ven biển.

Rõ ràng là, với việc xây dựng các tuyến đường ven biển, ngoài những sự sửa sai kịp thời để không phải hối tiếc, thì đâu đó người ta vẫn nói rằng giá như mà … giá như mà, hồi đó con đường ven biển Liên Chiểu – Thuận Phước, đoạn qua khu Phú Lộc, Xuân Thiều lên tới Nam Ô… giá như mà… đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc, đoạn Sơn Trà tới Bắc Mỹ An được quy hoạch hợp lý thì bây giờ Đà Nẵng sẽ có nhiều những dải đất dịch vụ, du lịch quý giá hơn nhiều.

Người dân của Đà Nẵng cũng có quyền được hưởng thụ những tài nguyên sinh thái của thành phố như nhu cầu của khách du lịch, do đó, nếu Đà Nẵng có quá nhiều khu vực biệt lập cho du lịch ở các điểm đẹp nhất sẽ là không công bằng với người dân thành phố

Dự án ven biển – tiềm ẩn nhiều hậu quả

Hệ sinh thái tự nhiên có một cấu trúc rất chặt chẽ, nó có thể tự chuyển hóa để lấy lại cân bằng một cách tự nhiên trong sự tương hỗ của các hệ sinh thái. TP. Đà Nẵng là khu vực không lớn nhưng chứa đựng một cấu trúc sinh thái tự nhiên liên hoàn từ núi đến đồng bằng, sông, biển, đảo, sự liên kết đó trong một tiểu vùng vi khí hậu Trung Trung bộ là một môi trường sinh thái tự nhiên khá hoàn hảo.

Quá trình đô thị hóa với hơn 1 triệu người đã và đang khai thác tài nguyên của khu vực để phát triển một thành phố ngày một đồ sộ hơn về khối tích xây dựng và bỏ ra môi trường một lượng chất thải khủng khiếp, chưa kể đến lượng hàng triệu lượt khách du lịch hàng năm. Môi trường sinh thái suốt dọc bờ biển đã bị khai thác phục vụ du lịch, hệ sinh thái ven bờ bị ô nhiễm, nhiều khu vực san hô đã bị hủy hoại.

Những dự án đã và đang chuẩn bị xây dựng ven sông, ven suối và đặc biệt ven biển TP. Đà Nẵng có thể vì lợi nhuận và lợi ích khu vực trực tiếp khai thác có thể làm phá vỡ cấu trúc sinh thái tự nhiên và phát sinh những tác hại cho các khu vực lân cận hoặc khu vực ảnh hưởng khác. Ví dụ một số khu vực do xây thêm kè cứng và một số cầu cảng, khu vui chơi ở bờ biển sát nước đã vô tình gây tác động làm thay đổi dòng hải lưu, ảnh hưởng đến các bãi tắm ở cách hàng chục km, bị xói lở và mất hẳn cấu trúc bãi tắm… Việc xây dựng quá dày đặc các khu vực ven sông, ven biển  cũng làm hạn chế các dòng tụ thủy từ trên núi ra sông, biển gây úng lụt trong mùa lũ ở thượng nguồn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đối với TP. Đà Nẵng mà còn các khu vực tỉnh khác trong vùng sinh thái.

Mặt khác, để hướng tới một môi trường sinh thái xã hội nhân văn bền vững của thành phố Du lịch, sự cộng sinh, tương tác giữa các cộng đồng dân cư với khách du lịch là vô cùng cần thiết. Người dân đô thị chính là chủ thể của thành phố và khách du lịch là khách thể không thể thiếu đối với thành phố du lịch. Quy hoạch thành phối cần phải nghiên cứu để tạo được nhiều không gian giao tiếp cộng đồng có quy mô và điều kiện thích hợp sẽ là những điểm thu hút cho chủ thể và khách thể được kết nối và tụ hội, trao đổi giữa các nên văn minh trên thế giới.

Người dân của Đà Nẵng cũng có quyền được hưởng thụ những tài nguyên sinh thái của thành phố như nhu cầu của khách du lịch, do đó, nếu Đà Nẵng có quá nhiều khu vực biệt lập (các khu resort) cho du lịch ở các điểm đẹp nhất sẽ là không công bằng với người dân thành phố, đặc biệt là số đông người có thu nhập trung bình đã sống nhiều đời trên mảnh đất Đà Nẵng có thể chẳng bao giờ được hưởng những điều kiện tuyệt vời của thành phố nơi mà họ sinh sống.

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng