Dấu ấn thanh kiểm tra đất đai



Sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, năm 2016, Tổng cục Quản lý Đất đai xác định là năm tăng cường hoạt động thanh kiểm tra nhằm phát hiện, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai.

Theo Báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai, trong năm 2016, Tổng cục đã triển khai thực hiện xong 5 đoàn thanh tra theo kế hoạch tại các tỉnh: Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, An Giang và Lâm Đồng. Cụ thể là 2 Đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong quản lý, sử dụng đất tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông đối với 4 nông, lâm trường và đã ban hành 4 kết luận thanh tra theo quy định.

Qua đó, đã phát hiện cả 4 nông lâm trường đều có các vi phạm và đã kiến nghị xử lý khắc phục, gồm các sai phạm chủ yếu: Có 2/4 đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về quản lý đất đai (ký hợp đồng thuê đất, đăng ký biến động sau khi Nhà nước đã thu hồi một phần diện tích, cấp GCN); có 3/4 đơn vị không lập quy hoạch chi tiết, không thực hiện theo đúng nội dung trong đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo Nghị định 170 năm 2004 và Nghị định 200 năm 2004 của Chính phủ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có 1/4 đơn vị giao đất trái thẩm quyền, sử dụng đất sai mục đích với diện tích 1,7297 ha cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở; có 1/4 đơn vị chưa thực hiện việc chuyển từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất với diện tích 1.652,68 ha đất rừng sản xuất, đất chưa có rừng trong quy hoạch rừng sản xuất vi phạm Khoản 2, Điều 73, Luật Đất đai năm 2003 (Điều 54 Luật Đất đai năm 2015) và có 1 đơn vị cho thuê trái pháp luật diện tích 130 m2.

Tổng cục đã tổ chức 3 Đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân tại 3 tỉnh là Bình Phước, An Giang, Lâm Đồng. Kết quả, đã phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm của UBND cấp huyện, xã.

Về công tác kiểm tra, hoàn thiện và ban hành Kế hoạch kiểm tra năm 2016 và tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch, Tổng cục đã triển khai thực hiện việc kiểm tra xong 6 tỉnh, gồm: Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Trị, Hà Nam, Bến Tre và Long An. Kết quả kiểm tra cho thấy, các địa phương đều đã tích cực triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và đã đạt được nhiều kết quả ở tất cả các nội dung nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai theo quy định; công tác quản lý đất đai đã có nhiều chuyển biến hơn trước. Tuy vậy, việc thực hiện từng nội dung quản lý Nhà nước về đất đai ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại như: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo phân cấp còn chậm, chưa đầy đủ, nhiều nội dung đã ban hành chưa phù hợp với thực tế và quy định pháp luật đất đai hiện hành; việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được duyệt ở các cấp chưa thật sự được quan tâm, tình trạng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất vẫn còn xảy ra; việc giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng đã nhiều năm mà không xử lý; việc cấp Giấy chứng nhận còn nhiều trường hợp tồn đọng chậm giải quyết; thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều trường hợp thực hiện chưa đúng quy định…

Thực hiện Quyết định số 3169 của Bộ trưởng Bộ TN&MT trong năm 2016 về việc tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, trong năm 2016, Tổng cục đã tổ chức tiếp nhận, xử lý 1.880 thông tin phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai. Kết quả đã chuyển Thanh tra Bộ xử lý theo thẩm quyền 163 trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo; đã phân loại được 488 thông tin phản ánh rõ nội dung sai phạm và có địa chỉ để xử lý (trong đó, có 372 thông tin về việc cấp GCN; 30 thông tin về việc thu hồi đất, bồi thường; 8 thông tin về việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 5 thông tin về việc lấn, chiếm đất đai; 8 thông tin phản ánh bán đất trái thẩm quyền; 5 thông tin phản ánh về giao đất, cho thuê đất; 3 thông tin phản ánh về sử dụng đất không mục đích và 57 thông tin phản ánh về các sai phạm khác); đã ký 467 công văn yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định và báo cáo kết quả về Tổng cục Quản lý đất đai. Còn lại 1.392 thông tin không phải là phản ánh về sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai hoặc thông tin trùng, không rõ nội dung, địa chỉ sai phạm để xem xét xử lý.

Ngoài ra, trong năm 2016, Tổng cục đã chủ trì tổ chức 15 đoàn kiểm tra việc xử lý thông tin phản ánh qua báo chí và đường dây nóng và giải quyết khó khăn vướng mắc trong việc cấp GCN tại 13 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội (2 đoàn), Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nam Định (2 đoàn), Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Phước. Kết quả đã hướng dẫn và đôn đốc giải quyết 73 trường hợp phản ánh qua đường dây nóng về Bộ TN&MT; trong đó, có 10 trường hợp đã được giải quyết ngay trong thời gian kiểm tra tại địa phương; kết quả kiểm tra cũng cho thấy, có nhiều trường hợp phản ánh không đúng (chiếm 31%) và khoảng 10% phản ánh không đúng địa chỉ để giải quyết. Đã trao đổi, hướng dẫn tháo gỡ trực tiếp hàng chục vấn đề vướng mắc của mỗi địa phương do chưa nắm vững hoặc chưa hiểu đúng các quy định của pháp luật đất đai hiện hành liên quan đến cấp Giấy chứng nhận; đã phát hiện và chấn chỉnh nhiều trường hợp còn tồn tại, hạn chế trong việc đăng ký, cấp GCN.

Để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được duyệt, nhất là bám sát Quyết định của Thủ tướng và kế hoạch của Bộ TN&MT theo đề án Tăng cường xử lý vi phạm đất đai giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất. Tăng cường công tác tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng các vi phạm về lĩnh vực đất đai; nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin mà báo chí và dư luận quan tâm…

Nguồn: Trường Giang – CTTĐT

Tin khác đã đăng