Dẹp điểm đen rác thải: Chuyện nhỏ nhưng khó



Nạn xả rác thải bừa bãi đã xảy ra khá phổ biến trên địa bàn TPHCM. Rất nhiều cuộc vận động cộng đồng không xả rác nơi công cộng đã được các cấp chính quyền, đoàn thể thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn nạn này?

Một bãi rác tự phát trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Ảnh: CAO THĂNG

Mức xử phạt cao nhưng thiếu hậu kiểm

Đánh giá về tình hình rác thải đô thị trên cả nước do Bộ TN-MT thực hiện cho thấy, rác thải đô thị hiện ở mức hơn 12 triệu tấn/năm và tốc độ gia tăng rất nhanh, 10% – 15%/năm. Tại các đô thị lớn, hệ thống hạ tầng thu gom và xử lý đang bị quá tải do mức độ đầu tư trang thiết bị không thể theo kịp lượng chất thải phát sinh thực tế.

Riêng tại TPHCM, theo ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, chính quyền thành phố cũng đang phải đối mặt với áp lực xử lý rác thải rất lớn, khi lượng rác thải phát sinh trung bình mỗi ngày là hơn 9.000 tấn. Trong khi đó, hạ tầng tiếp nhận, thu gom và quét dọn còn lạc hậu, chưa tương xứng với quy mô siêu đô thị. Mặt khác, tình trạng xả rác bừa bãi của một bộ phận người dân vẫn còn phổ biến, bất chấp các tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động. Hầu hết các tuyến đường đều xuất hiện tình trạng rác thải xả bừa bãi ra đường. Đặc biệt, vào khoảng chiều tối, khi các quán ăn lề đường, chủ phương tiện bán hàng rong tập trung buôn bán, hoặc kết thúc một ngày buôn bán, thì rác thải xả tràn ngập khắp tuyến đường.

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho biết, đơn cử dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, trung bình mỗi ngày công ty phải trục vớt hơn 10 tấn rác. Nguyên nhân là do người dân sống dọc hai bên tuyến kênh và lượng lớn người bán hàng rong, xe đẩy đổ thẳng rác xuống kênh. Đồng thuận với quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (ngụ đường Ba Đình, quận 8) kể rằng trên dọc tuyến đường Ba Đình từ lâu đã hình thành chợ tự phát, người dân buôn bán trên xe đẩy tụ tập về đây ngày càng đông. Và khi tan tầm chợ vào đầu giờ chiều thì toàn bộ khu vực này ngập trong rác.

Chưa hết, mặt cầu vượt, chân cầu và khu vực vỉa hè trên các tuyến đường nằm giáp ranh với quận huyện, bãi đất trống… cũng là những tụ điểm bãi rác thải tự phát. Đơn cử dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài từ quận 7 đến huyện Bình Chánh, rác chất thành đống. Thậm chí, rác được nhiều đối tượng lén đổ dồn, chất thành đống tồn tại qua nhiều năm, mà không thấy cơ quan chức năng xử lý.

Sớm tháo gỡ bất cập

Theo đại diện các công ty dịch vụ công ích, việc phân cấp tổ chức đấu thầu thu gom rác trên địa bàn thành phố một mặt giúp giảm chi tiêu ngân sách cho vấn đề thu gom, xử lý rác thải, nhưng cũng đang gây ra những bất cập trong hoạt động này. Cụ thể, việc thu gom rác chỉ được thực hiện 1 lần/ngày và trên một diện tích mặt đường nhất định. Phổ biến nhất là các công ty dịch vụ công ích, chỉ quét dọc theo tuyến đường và phạm vi quét rác là 1m mặt đường, tính từ mép vỉa hè ra đến lòng đường.

Phần vỉa hè và lòng đường còn lại sẽ không được vệ sinh quét dọn. Mặt khác, tần suất quét chỉ 1 lần/ngày nên không thể nào đảm bảo chất lượng, mỹ quan đô thị. Không những thế, một số quận huyện còn khoán lượng rác thu gom vận chuyển nhất định ít hơn lượng rác thực tế phát sinh. Ví dụ trung bình lượng rác trên toàn quận phát sinh 120 tấn/ngày, nhưng quận chỉ khoán cho đơn vị dịch vụ công ích thu gom 50 tấn/ngày. Do vậy, lượng rác tồn đọng là khó tránh khỏi.

Chưa hết, hầu hết trên các tuyến đường thiếu trầm trọng thùng rác công cộng. Các thùng rác quá cũ, có dung tích chứa nhỏ, không đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện thành phố đã có chủ trương vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhưng hầu hết thùng rác tiếp nhận rác khu vực công cộng không được đầu tư để tiếp nhận rác phân loại. Một số quận huyện còn lấy lý do thiếu kinh phí nên chỉ đầu tư khi nhận nguồn tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ, thậm chí nhếch nhác trong việc lắp đặt thùng rác trên địa bàn thành phố.

Để cải thiện tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần phải rà soát, chấn chỉnh lại tình trạng phân cấp, đấu thầu hoạt động thu gom, quét dọn rác. Trước hết, cần tính đúng, tính đủ đơn giá quét dọn và thu gom rác thải. Diện tích mặt đường cần phải quét cũng phải được xác định và thống nhất trên toàn thành phố, tránh tình trạng mỗi quận huyện quy định mỗi cách khác nhau, gây khó cho đơn vị thực hiện.

Song song đó, việc nghiệm thu, thanh quyết toán tài chính cho các đơn vị khi thực hiện xong phải được đơn giản hóa và kịp thời, tránh tình trạng doanh nghiệp thực hiện xong nhưng cả năm sau mới được chi trả chi phí. Riêng với các công ty dịch vụ công ích hoạt động trong lĩnh vực này, cần được rà soát tổng thể về năng lực thực hiện. Trường hợp năng lực yếu, không đủ cơ sở để tái đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực, thì cần phải có cơ chế cho phép sáp nhập để tránh phân tán đầu tư, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ công tác vệ sinh môi trường cho thành phố.

Cần duy trì công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng không xả rác khu vực công cộng. Tuy nhiên, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, ở góc độ quản lý, cần thiết phải tính đến việc triển khai hiệu quả xử phạt người có hành vi vi phạm môi trường nói chung và xả rác nói riêng. Trên thực tế, mức phạt đối với hành vi xả rác nơi công cộng đã có, 5 – 7 triệu đồng/hành vi, nhưng lực lượng nào kiểm tra và xử phạt thì chưa được xây dựng và triển khai tại các quận huyện. Hơn nữa, trường hợp phát hiện và xử phạt, nhưng người vi phạm không chấp hành thì biện pháp chế tài cũng chưa hiệu quả.
Nguồn: SGGP

Tin khác đã đăng