Đồng Tháp: Vấn đề đặt ra từ xu hướng bỏ lúa lập vườn



Biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh bùng phát phức tạp khiến chi phí canh tác lúa gia tăng, năng suất lại giảm khiến nhiều nông hộ ở các địa phương tỉnh Đồng Tháp đã và đang bỏ ruộng, lập vườn trồng cây ăn trái…

Ông Út Bi, tại công trình cải tạo mảnh ruộng trồng lúa chuyển sang lập vườn trồng cây ăn trái.

Trung tuần tháng 2, những trà lúa Đông xuân sớm ở Đồng Tháp đã bắt đầu thu hoạch mà thương lái đã phải tìm lúa, tăng giá để thu mua vì thất mùa. Ông Út Bi, ở ấp Thạnh Phú, xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, có 9 công ruộng trồng lúa 3 vụ từ nhiều năm qua, trong đó vụ Đông xuân là vụ chính, năng suất trung bình đạt trên 8 tấn/ha (40 giạ/công). Thế nhưng, vụ Đông Xuân năm 2015, liên tiếp 2 vụ Đông xuân gần đây thời tiết diễn biến phức tạp, nên chi phí sản xuất gia tăng, năng suất thu hoạch lại sụt giảm.

Riêng vụ Đông xuân 2016 – 2017, mưa bất thường, lúa lép hạt, sập, nạn chuột đồng lại bùng phát, phá hoại, ông Út Bi vừa thu hoạch xong chỉ được gần 20 giạ/công (khoảng 4 tấn/ha), bán cho thương lái đặt cọc từ trước với giá 4.700 đồng/kg. Theo ông Út Bi, nông dân thất mùa, còn thương lái thì trúng vì họ đặt cọc từ đầu vụ với giá 4.700 đồng/kg đến thời điểm này bà con thu hoạch năng suất sụt giảm, giá thị trường gia tăng đột biến lên tới 5.400 đồng/kg. Hiện nhiều thương lái thậm chí còn thuê người trực tiếp giữ đồng đã đặt cọc để thu hoạch lúa.

“Trồng lúa không sống nổi, tôi quyết định chuyển 2 công ruộng sang lập vườn trồng nhãn Thái và ổi. Thấy bà con trồng mấy loại cây này hiệu quả cao hơn lúa rất nhiều” – ông Út Bi, nói. Để lập vườn trên diện tích 2 công ruộng, ông Út Bi phải đầu tư 30 triệu đồng, thuê xáng cạp đất, đào mương, lên liếp và chạy đường ống, hệ thống tưới tiêu. Ông Út Bi chuyển đất lúa sang lập vườn trồng cây lâu năm nhưng không trình báo, xin phép chính quyền và cũng không nghe, không thấy cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương nhắc nhở hay ngăn cản.

Bà Năm Nang, ở áp Phú Thuận, xã An Phú Thuận, có 4 công vườn trồng nhãn, xen ổi từ nhiều năm qua, cho hay quanh vùng này bà con đang rầm rộ chuyển hàng trăm công ruộng lên liếp lập vườn trồng cây ăn trái. Có hộ còn đầu tư mua xáng cạp làm dịch vụ đào đất lập vườn, với giá thị trường phổ biến 3,5 triệu/công.

Việc chuyển ruộng sang lập vườn trồng cây ăn trái đang diễn ra phổ biến ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Diện tích đất ruộng trồng lúa chuyển qua lập vườn biến động, chính quyền địa phương chưa cập nhật được đầy đủ. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Thuận – Trần Văn Hòa, trên địa bàn có khoảng 15ha ruộng bà con chuyển sang lập vườn trồng cây ăn trái. Năm 2016 vừa qua, diện tích vườn cũng đã gia tăng lên tới 722ha, vượt 6% chỉ tiêu kế hoạch.

“Hộ nào có vườn thanh long ruột đỏ không những khá mà còn có thể làm giàu”- Ông Hòa, nói. Năm qua xã An Phú Thuận cũng đã vận động 15 hộ trồng 5,3ha thanh long ruột đỏ thành lập Tổ hợp tác hỗ trợ sản xuất hiệu quả cao.

Cũng như xã An Phú Thuận việc cải tạo vườn chuyển đổi giống cây ăn trái hiệu quả thấp và chuyển đất ruộng lập vườn trồng cây ăn trái hiệu quả cao hơn như bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, nhãn IDor, cam, chanh, ổi… phát triển mạnh ở các xã An Nhơn, An Khánh, Hòa Tân, Tân Nhuận Đông… Tính chung cả huyện Châu Thành, vụ Đông xuân 2016 – 2017 diện tích canh tác lúa giảm 700ha do bà con chuyển sang trồng màu và các loại cây ăn trái. Thống kê chính thức đến cuối năm 2016, diện tích vườn trên địa bàn huyện đã lên tới 6.375ha, nhiều hơn năm 2015 hàng chục hec-ta.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành – Nguyễn Văn Cường, diện tích ruộng bà con chuyển qua lập vườn trồng cây ăn trái chủ yếu là những thửa ruộng “da beo” nằm xen hoặc đã bị vườn bao bọc xung quanh, trồng lúa hiệu quả thấp. Diễn biến này nằm trong tiến trình triển khai dự án của ngành nông nghiệp, phù hợp với chủ trương khuyến khích chuyển đổi những khu vực trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn trái hiệu quả kinh tế cao hơn – của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Thật ra, tình hình chuyển đất lúa sang lập vườn trồng cây ăn trái đã và đang diễn ra phổ biến ở các địa phương trên phạm vi toàn tỉnh Đồng Tháp và chính quyền các địa phương cùng cơ quan chức năng đồng tình. Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp của tỉnh cuối năm 2016 vừa qua lãnh đạo tỉnh cùng cơ quan chức năng đã chỉ rõ khó khăn, thuận lợi, đề ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững trong năm 2017. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương đã chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu và sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Cụ thể, sẽ cắt giảm diện tích lúa, chuyển sang nuôi trồng cây, con khác phù hợp với điều kiện thời tiết và thị trường.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thực hiện đúng qui định của Luật Đất đai năm 2013, phù hợp các qui định về qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tránh tình trạng tự phát, kém hiệu quả tại địa phương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành – Nguyễn Kim Lăng, cho rằng: “Quá trình chuyển đổi cần có sự nghiên cứu trên cơ sở các dự án khoa học và căn cứ vào qui mô để cấp thẩm quyền giải quyết, điều chỉnh phù hợp với qui định của pháp luật”.

Nguồn: Hùng Long – TN&MT

Tin khác đã đăng