Gia tăng ô nhiễm môi trường nước ở đô thị



Cùng với ô nhiễm không khí, đất, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, thì hiện nay các đô thị ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm khá trầm trọng. Một trong những nguyên nhân là do lượng nước thải trong các đô thị được xử lý theo quy chuẩn còn thấp...

Dây chuyền sản xuất gạch blốc từ chất thải rắn tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, TP Đà Nẵng. Ảnh: ĐỨC HOÀNG

Cả nước hiện có hơn 100 doanh nghiệp cấp nước, hơn 500 hệ thống cấp nước lớn, nhỏ tại các đô thị. Tỷ lệ số dân đô thị được cung cấp nước sạch là 82%; mức sử dụng nước sinh hoạt bình quân đạt 105 lít/người/ngày đêm. Tuy nhiên, do việc khai thác và sử dụng chưa hợp lý, tài nguyên nước dưới đất ở các khu vực đô thị có chiều hướng suy giảm về trữ lượng, mực nước xuống thấp. Đáng lo ngại, nhiều đô thị đang đối mặt với tình trạng nguồn nước ngầm, nước mặt bị ô nhiễm dẫn tới chất lượng nước cấp cho nhiều nhà máy cung cấp nước sinh hoạt chưa đạt tiêu chuẩn. Công nghệ xử lý nước tại một số nhà máy nước chưa đồng bộ, hoàn chỉnh; tình trạng xả nước thải không qua xử lý ra sông hồ đang là nguồn gây ô nhiễm. Công tác quản lý, khai thác nguồn nước mặt và nước dưới đất còn hạn chế…

Các nhà khoa học cho rằng: Hiện nay các sông, hồ khu vực đô thị đang phải chịu sức ép rất lớn từ nguồn thải đến từ các hoạt động sinh hoạt của người dân và các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Tỷ lệ nước thải được xử lý còn khá thấp đã ảnh hưởng đến chất lượng nước sông, hồ đô thị.

Bên cạnh nước thải sinh hoạt, thì nước thải y tế, nước thải từ các nguồn khác như công nghiệp, dịch vụ, trung tâm thương mại cũng đang tác động lớn đến môi trường nước ở đô thị. Điển hình như trong nước thải y tế, ngoài yếu tố ô nhiễm thông thường còn có những chất bẩn đặc thù; các vi khuẩn gây bệnh, chế phẩm thuốc, chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng kháng sinh và có thể có các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh. Kết quả đánh giá thực trạng chất lượng nước thải y tế tại 22 bệnh viện khu vực miền bắc, do Bộ Y tế thực hiện cho thấy: Có tới 52,4% bệnh viện có nước thải y tế sau xử lý vượt tiêu chuẩn cho phép về chỉ số a-mô-ni; 4,7% vượt tiêu chuẩn cho phép về chỉ số sunfua; 38,1% vượt tiêu chuẩn về chỉ số coliform… Ngoài ra, nước biển ven bờ tại một số đô thị có hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ, dầu mỡ khoáng như Quảng Ninh, Đà Nẵng… Việc tập trung phát triển các khu kinh tế ven biển thời gian gần đây đã dẫn đến nguy cơ xảy ra ô nhiễm và sự cố môi trường do hoạt động kiểm soát, xử lý chất thải không được quản lý chặt chẽ.

Nhằm từng bước khắc phục tình trạng nêu trên, Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tài cho rằng: Bên cạnh việc Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nước tại đô thị, UBND các tỉnh, thành phố cần xây dựng giải pháp tổng thể và chi tiết đối với việc nâng cấp hệ thống thoát nước như bổ sung công trình tách nước thải chung; xây dựng hệ thống thoát nước riêng đối với các đô thị mới. Nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nước ngầm, trong đó cần xem xét, điều chỉnh kế hoạch khai thác, sử dụng nước dưới đất tại các khu vực đô thị. Thường xuyên rà soát để xây dựng danh sách các vùng cấm và hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất, nhằm tăng khả năng phục hồi trữ lượng nước, giảm nguy cơ sụt lún; quản lý chặt, hiệu quả việc cấp phép khai thác và sử dụng nguồn nước dưới đất. Đối với các đô thị ven biển, cần xây dựng giải pháp thích nghi và ứng phó với vấn đề xâm nhập mặn như thay đổi phương án khai thác sử dụng nguồn nước đã bị ô nhiễm để sử dụng cho những mục đích phù hợp…

TS Đặng Đình Phúc (Hội Địa chất thủy văn Việt Nam) đề nghị các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra việc thu gom, xử lý nước thải, xả thải vào nguồn nước; nghiên cứu các công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, các công nghệ sạch giảm ô nhiễm nguồn nước khi qua sử dụng, các công nghệ xử lý nước thải hiệu quả và kinh tế. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về nước thải, hậu quả của việc xả thải không qua xử lý; nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng nước tiết kiệm, giảm lượng nước thải và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải, thu gom và xử lý nước thải tại các đô thị. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện việc xả nước thải không qua xử lý vào nguồn của các tổ chức, cá nhân, không tuân theo quy định của pháp luật. Phát hiện kịp thời nguồn nước bị ô nhiễm và nguồn nước cần được bảo vệ…

Nguồn: nhandan.com.vn

Tin khác đã đăng