Giám sát thi công các đề án thăm dò khoáng sản là cần thiết
“Việc giám sát thi công các đề án thăm dò khoáng sản là cần thiết, nhằm bảo vệ tài sản nhà nước” – Khẳng định này đã được VCCI đưa ra trong bản góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định công tác giám sát thi công các Đề án thăm dò khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Giám sát là cần thiết
Theo VCCI, trước đây, khi chưa có chính sách thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, một số doanh nghiệp có xu hướng khai báo kết quả thăm dò cao hơn so với thực tế nhằm được cấp phép khai thác với trữ lượng lớn hơn. Đến khi khai thác, nếu sản lượng không đạt so với trữ lượng thăm dò thì cũng không sao bởi thuế tài nguyên chỉ đánh trên sản lượng khai thác thực tế. Đến khi chính sách thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực, lại xuất hiện một số doanh nghiệp cố gắng khai báo kết quả thăm dò thấp hơn nhằm giảm số tiền cấp quyền phải nộp.

VCCI đồng tình với việc thiết kế cơ chế nhằm giám sát hoạt động và kết quả thăm dò khoáng sản
Từ trước đến nay, việc kiểm soát kết quả thăm dò khoáng sản chủ yếu dựa vào hoạt động của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản. Tuy nhiên, hoạt động của Hội đồng này chủ yếu dựa trên hồ sơ kết quả thăm dò được doanh nghiệp báo cáo, chứ ít khi có giám sát trực tiếp trong giai đoạn thăm dò.
“Xuất phát từ hiện tượng trên, việc giám sát thi công các đề án thăm dò khoáng sản là cần thiết, nhằm bảo vệ tài sản nhà nước. Do đó, VCCI đồng tình với việc thiết kế cơ chế nhằm giám sát hoạt động và kết quả thăm dò khoáng sản” – Bản góp ý nêu rõ.
2 phương án tiếp cận
Theo đó, VCCI cho rằng cơ chế cụ thể của hoạt động này cần được nghiên cứu và thiết kế sao cho vẫn bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước nhưng cũng không làm tăng gánh nặng về thời gian, chi phí cũng như không làm cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm của một số ngành khác, VCCI thấy rằng có 2 cách tiếp cận để thực hiện việc này.
Phương án 1: Xác định đây là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Toàn bộ hoạt động giám sát này do cơ quan nhà nước thực hiện hoặc thuê, đặt hàng đơn vị khác thực hiện và chịu trách nhiệm, đơn vị này chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước và độc lập với doanh nghiệp có quyền thăm dò khoáng sản.
Phương án này có ưu điểm là dễ quản lý đối với cơ quan nhà nước, mức độ tin cậy của kết quả thăm dò phụ thuộc vào trình độ, đạo đức và kỷ luật của cán bộ thực thi, hoặc đơn vị được cơ quan nhà nước thuê/đặt hàng. Tuy nhiên, nhược điểm của cơ chế này là tạo vị thế độc quyền, dễ dẫn đến nguy cơ nhũng nhiễu hoặc tiêu cực.
Phương án 2: Xã hội hóa hoạt động giám sát thông qua các đơn vị được Nhà nước cấp phép, tương tự như dịch vụ kiểm toán độc lập. Doanh nghiệp thăm dò có quyền ký hợp đồng giám sát đối với bất kỳ đơn vị nào được cấp phép. Đơn vị được cấp phép này phải giám sát dựa trên chuẩn mực về thăm dò và chuẩn mực về giám sát, đơn vị này chịu trách nhiệm về kết quả giám sát của mình và nếu có sai phạm thì bị xử lý, trong đó có cả chế tài rút giấy phép.
VCCI cho rằng, phương án này có ưu điểm là tạo thế cạnh tranh giữa các đơn vị có chức năng giám sát, làm giảm nguy cơ nhũng nhiễu và tăng chất lượng dịch vụ, tuy nhiên, việc quản lý phức tạp hơn và thường chỉ phù hợp khi quy mô thị trường đủ lớn mới có thể có nhiều nhà đầu tư tham gia.
Do đó VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lựa chọn giữa hai cơ chế trên phù hợp với thực tiễn hoạt động thăm dò khoáng sản hiện nay.
Nguồn: dddn.com.vn
Tin khác đã đăng
- Chương trình truyền thông ” Sạch hơn nhé Sài Gòn” thuộc Dự án Vệ sinh môi trường Tp. Hồ Chí Minh được phối hợp tổ chức tại phường Cát Lái, quận 2 ngày 4/6/2023. Tại sự kiện này, Hội Liên Hiệp Phụ nữ phường Cát Lái đã phát động “Ngày hội Phụ nữ vì môi trường” với nhiều hoạt động có ý nghĩa như trao tặng thùng rác và hướng dẫn phân loại rác; Đổi rác tái chế nhận quà, đổi pin lấy cây xanh… Chương trình có sự đồng hành và tài trợ của Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị – chủ đầu tư Dự án vệ sinh môi trường Tp. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động truyền thông của Dự án nhằm vận động và thay đổi nhận thức, hành vi của người dân Tp. Thủ Đức và Tp. Hồ Chí Minh về giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ dòng kênh xanh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. 06/06/2023
- Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường và mỹ quan đô thị – “Sạch hơn nhé Sài Gòn” tại phường Bình Trưng Tây. 29/05/2023
- Đoàn chuyên gia đối ngoại World Bank tới thăm, làm việc và khảo sát kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè ngày 22/02/2023. 22/04/2023
- Tổng Kết Quá Trình Thực Hiện Cuộc Thi Online “Ý Tưởng Xanh Vì Thành Phố An Lành” 05/11/2020
- Vẽ không gian xanh 05/11/2020