Hang động Krông Nô có thêm luận chứng đề nghị công nhận Công viên địa chất toàn cầu



Từ cuối tháng 12/2016 đến đầu tháng 1/2017, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều di tích và di vật khảo cổ tại khu vực hang động núi lửa Krông Nô (Krông Nô), Đắk Nông.

Bên trong hang động Krông Nô. Ảnh: TP
TS. La Thế Phúc, nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất, Nghiên cứu viên chính Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam – Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông”  cho biết, tất cả các phát hiện này sẽ bổ sung vào hồ sơ trình UNESCO xem xét, đề nghị công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực Krông Nô một cách đầy đủ, chi tiết hơn.

Theo TS La Thế Phúc, tại khu vực có hang động núi lửa Krông Nô, các nhà khoa học đã đã phát hiện được rất nhiều điểm di chỉ khảo cổ. Tại đây, có xương động vật, các mảnh xương ống của động vật, không loại trừ có cả xương của người tiền sử. Đặc biệt, các hang động núi lửa Krông Nô có diện tích nền hang khá rộng, tương đối bằng phẳng, thông thoáng. Cửa hang quay về hướng đông, đông nam hoặc chính nam nên tiếp thu được nhiều ánh sáng, ra vào dễ dàng, phân bố ở gần nguồn nước sinh hoạt…

Được biết, trước đây, tại các điểm khảo cổ mà các nhà nghiên cứu đã khai quật trên địa bàn Tây Nguyên chưa hề có xương người, nhưng ở khu vực hang động núi lửa Krông Nô – một trong những hang động lớn nhất Đông Nam Á lại có xương người. Đây là tín hiệu rất đặc biệt, khẳng định họ chính là chủ nhân của những hang động này.

Nguồn: L.Nhi – CTTĐT

Tin khác đã đăng