Hoành Bồ – Quảng Ninh: Xúc tung đất sét mang đi bán



Thời gian qua, hàng chục xe tải của một đối tượng tên là Thực đã kéo vào 1 khu đất rộng lớn ở xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ để khai thác đất. Với lý do “cải tạo trường bắn”, đất sét được xúc lên, hàng ngàn khối đất sét đã được chở đi đến một số nhà máy gạch trên địa bàn huyện Hoành Bồ để bán. Ai “chống lưng, móc ngoặc” cho các đối tượng này làm liều?. Trách nhiệm của UBND huyện Hoành Bồ, UBND xã Lê Lợi và đơn vị quản lý khu đất đến đâu khi “nhắm mắt” cho hàng vạn khối đất sét bị lọt ra ngoài?. Vai trò của Cảnh sát môi trường, Phòng TNMT đến đâu khi để khoáng sản bị “chảy máu”? Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng đang công khai “ăn cắp” khoáng sản…

Cải tạo trá hình?

Trao đổi và làm việc với phóng viên, nhiều người dân (xin giấu danh tính) sinh sống ở thôn Bằng Xăm, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ cho biết: Năm 2012 trên mặt bằng này có xây các u bê tông, bệ đỡ, nghe nói là dành cho khu vực quân sự. Nhưng xuất chưa một lần thấy hoạt động. Bà con nhân dân còn mang thả trâu bò vào đây, không ai trồng cấy gì, Vào khoảng cuối tháng 11/2016 đến nay, người dân thấy xuất hiện  rất nhiều ô tô, máy xúc kéo đến đào bới tan hoang cả “trận địa”. Mục đích của họ là để khai thác cát và đất sét, đất xấu ở trên thì họ gạt ra và đổ tại chỗ. Còn cát và đất sét trắng thì được moi hết để mang đi. Có chỗ họ đào sâu đến gần chục mét để lấy sét. Mỗi ngày có hằng trăm xe đất sét được chở ra từ đây bán cho các nhà máy gạch trên địa bàn. đường xá thì nhầy nhụa bùn đất, gây ô nhiễm môi trường.

“Mục sở thị” phóng viên thấy cả một công trường khai thác đất đang hoạt động rầm rộ với nhiều khu vực đang bị đào bới nham nhở sâu hoắm, nhiều máy xúc và ô tô đang hoạt động múc khai thác cát và đất sét. Ô tô mang nhãn hiệu công ty Sơn Tùng. Công trường với nhiều điểm khai thác đất rộng lớn đang hoạt động,  có những chỗ đào xuỗng ngần chục mét, khai thác sâu xuống đến tận cốt không của chân đồi. đất sét đang được múc lên các xe trọng tải lớn để chở nơi khác tiêu thụ, xung quanh khu vực này đất đá đổ lung tung. Có những điểm thì đang khai thác hết  phần cát ở trên và đang chuẩn bị khai thác đến phần đất sét…

Chia sẻ thông tin với phóng viên, một lái xe tải chở đất thú nhận. Đúng là bọn em có chở đất đi ra ngoài nhà máy gạch, nhưng bọn em chỉ là người làm thuê cho anh Thực mà thôi, nên chỉ biết theo lệnh của anh ấy.


Ai “bảo kê”?

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Thuỵ, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết: Khu đất này được để làm “trận địa tên lửa dự bị” do tiểu đoàn 184 quản lý. Trận địa này trước đây  đã hình thành và có  những cái bệ bê tông (bệ pháo). Thời gian qua, khi UBND xã phát hiện thấy tại mặt bằng khu vực trận địa tên lửa dự bị có máy xúc và ô tô đang hoạt động, chở đất sét ra ngoài. UBND xã đã xuống kiểm tra lập biên bản. Hiện trường khu vực một diện tích đất rộng khoảng 500 m2 có hiện tượng đào bới, khai thác tài nguyên khoáng sản… Ông Thụy cũng cho biết thêm: trước khi họ làm thì không thấy báo với UBND xã. Sau khi UBND xã xuống kiểm tra thì bên Trung Đoàn TL213 mới ra văn bản báo cáo xã về việc sửa chữa cải tạo công trình trận địa tên lửa dự bị. Nhưng không có giấy phép tận thu  khoáng sản. Về phía Uỷ ban xã Lê Lợi đã yêu cầu đất của quân sự thì đề nghị Trung đoàn TL213 phải báo cáo UBND huyện và cơ quan quân sự huyện về sự việc trên. Có được các cơ quan chức năng cấp cao chấp thuận hay không thì đến nay, xã vẫn chưa nắm được. Ông Thụy chia sẻ.

Qua điều tra, phóng được biết:  Ngày 8/12/2016, Trung đoàn TL213, Tiểu đoàn 184 do có giấy trình báo với UBND xã Lê Lợi do Thiếu tá Phạm Duy Khánh ký về việc: Vào ngày 1/12/2016 “trong quá trình đi kiểm tra trận địa chúng tôi đã phát hiện trận địa đang bị khai thác đất sét và cát trái phép, tại hiện trường đang có máy xúc làm việc, làm biến rạng mặt bằng trận địa, ảnh hưởng đến các công trình trong căn cứ quân sự do đơn vị chứng tôi quản lý. Đồng thời tại hiện trường chúng tôi có bắt gặp anh Thực là chủ phương tiện đang khai thác đất trái phép… và đề nghị can thiệp.

Tiếp đó ngày 12/12/2016, UBND xã Lê Lợi xuống kiểm tra hiện trường khu mặt trận địa tên Lửa theo đơn trình báo của Thiếu tá Phạm Duy Khánh. Tại “Hiện trường khu vực chúng tôi thấy trên diện tích rộng khoảng 500m2 có hiện tượng đào bới, khai thác tài nguyên khoáng sản (nghi là sét). Một phần khu vực đã khai thác nằm trong ranh giới khu vực trận địa tên lửa. độ sâu bình quân so với mặt bằng khu vực là 4m…. “Trong buổi kiểm tra có đại diện của tiểu đoàn trưởng  Thiếu tá Phạm Duy Khánh cùng đi,

Thế nhưng, sau buổi lập biên bản này, bỗng dưng đến ngày 13/12/2016, Trung đoàn 213, Tiểu đoàn 184 lại có văn bản gửi UBND huyện Hoành Bồ và xã Lê Lợi thông báo về việc sửa chữa, cải tạo công trình trận địa tên lửa dự bị 363 thuộc thôn Bằng Xăm, xã Lê Lợi….(?!).

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Việc khai thác, hay tận thu khoáng sản đều phải có quy trình và luật của nó. ở vụ việc này có nhiều điều “khuất tất”, lúc đầu thì tiểu đoàn đi “đánh trống kêu oan”, đến ngày hôm sau lại ra văn bản thông báo khác đi nội dung hôm trước, là có vấn đề ở đây. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ hành vi xúc đất sét đi bán để giữ gìn kỷ cương pháp luật.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về các dự án khai thác khác trên địa bàn với chiêu bài “cải tạo” để ăn cắp khoáng sản trá hình.

Nguồn: Hà Thúy/Nhật Lam – TN&MT

Tin khác đã đăng