Huế: Nước lũ lên, chủ động cho học sinh nghỉ học



Để phòng tránh nguy hiểm do nước lũ tại các sông đang lên nhanh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT chủ động cho học sinh nghỉ học...

Thừa Thiên Huế chủ động cho học sinh nghỉ học để tránh lũ

Ngày 20/11, tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa phát văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT trong sáng 20/11 chỉ đạo các trường trên địa bàn cho học sinh nghỉ học.

Ban PCTT&TKCN tỉnh cũng yêu cầu Sở GD&ĐT quản lý chặt việc đi lại của các em dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để phòng tránh nguy hiểm, do đợt lũ mới đang dâng nhanh trên sông lớn như sông Hương, sông Bồ.

Sau 20/11, tùy diễn biến của mưa bão, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ hay đi học trở lại; chủ động bố trí dạy bù sau khi học sinh trở lại trường để đảm bảo chương trình theo quy định.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường kết hợp đới gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên từ ngày 19/11 đến ngày 20/11 tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, xuất hiện một đợt lũ lớn trên các sông.

Nước dâng lên tại nhiều vùng thấp ở huyện Quảng Điền trong trưa 20/11

Dự báo trong ngày 20/11, lũ trên các sông đạt xấp xỉ báo động 3, gây ngập lụt diện rộng cho các vùng thấp trũng thuộc huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế.

Mực nước trên các triền sông tại Thừa Thiên Huế tính đến 11h trưa ngày 20/11: trên sông Hương, tại Kim Long: +2m, bằng báo động II; trên sông Bồ, tại Phú Ốc: +3,8m, trên báo động II là 0,8m…

Trước tình hình này, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP. Huế khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ, thông báo đến người dân tình hình lũ phức tạp trên các sông, đặc biệt là sông Hương, để chủ động đối phó.

Các địa phương cũng chủ động triển khai sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở núi, vùng gò đồi, ven sông suối, ven biển, đầm phá. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn; canh gác, hướng dẫn giao thông tại các vùng ngập sâu. Chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm lệnh vận hành xả lũ, nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Một số tuyến đường tại TP. Huế đã ngập nước

Theo ghi nhận của PV, do mưa lớn nên đến chiều 20/11 các vùng trũng như Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền, Hương Thủy ngập trên diện rộng. Nhiều nhà dân đã bị nước tràn vào. Nhiều tuyến đường bị ngập, giao thông đi lại khó khăn; cơ quan chức năng đã gắn các biển báo cấm phương tiện lưu thông để cảnh báo người đi đường. Một số trường học và các công trình khác tại Hương Trà, Quảng Điền… cũng ngập nhẹ. Nhiều diện tích hoa màu cũng đã bắt đầu bị nước xâm nhập vào.

Tại TP. Huế, trưa 20/11 nước đã bắt đầu tràn đập Đá. Nhiều tuyến đường chủ yếu vẫn ngập cục bộ do mưa lớn gây ra như Hùng Vương, Trần Quang Khải, Đống Đa… Các dự án liên quan đến đô thị, thoát nước cũng được đơn vị thi công gấp rút chằng chống, gắn bảng cảnh báo người lưu thông trên đường…

Hiện 3 hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế gồm Hương Điền, Bình Điền và Tả Trạch đang thực hiện điều tiết lũ cho hạ du. Trong đó hồ Tả Trạch lưu lượng đến hồ 527 m3/s, lưu lượng về hạ du 80m3/s (bao gồm lưu lượng phát điện và lưu lượng qua cống xả sâu); thủy điện Hương Điền lưu lượng đến hồ 1271m3/s, lưu lượng về hạ du 1271m3/s; thủy điện Bình Điền: +83,622m (MNDBT: +85m), lưu lượng đến hồ 536m3/s, lưu lượng về hạ du 924 m3/s.

Được biết trước đó nhiều địa phương vùng trũng nằm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa thoát khỏi hoàn toàn đợt lũ nặngnề do ảnh hưởng từ cơn bão số 12 (đầu tháng 11 vừa qua). Đợt lũ đó đã khiến 11 người chết và nhiều người bị thương…

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng