Lào Cai: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động thi công xây dựng



Trong thời gian qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc  gia tăng các hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh đã kéo theo nhiều vấn đề môi trường liên quan đến hoạt động đổ đất/đá thải.

Điển hình là việc đổ đất (đá) thải xây dựng (CTRXD) không theo đúng quy hoạch hoặc đã được giới thiệu địa điểm đất nhưng chưa quản lý chặt chẽ, nhiều dự án có lượng đổ thải lớn chưa có phương án đổ thải, còn lấn chiếm lòng đường, hè phố. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng đổ trộm CTRXD dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất/đá thải, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nhân dân, gia tăng ô nhiễm trên các tuyến đường vận chuyển…

Ngày 3/3/2017, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Văn bản số 830/UBND-TNMT về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT đối với hoạt động thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Nội dung Văn bản tập trung chỉ đạo các Sở/ban/ngành, UBND các huyện, TP tăng cường các biện pháp quản lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đổ thải, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường và đời sống của người dân. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì thực hiện quy hoạch tổng thể chung các bãi thải đất (đá) thải;  Hướng dẫn các đơn vị thực hiện thiết kế bãi thải, đảm bảo an toàn khi đổ thải; Gắn các yêu cầu liên quan đến đổ thải với hoạt động cấp giấy phép xây dựng; Rà soát, kiểm tra, thống kê các bãi thải, điểm đổ thải trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung vào các vị trí có nguy cơ sạt lở, không đảm bảo an toàn, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/4/2017.

Bụi từ các hoạt động thi công xây dựng ảnh hưởng đến người dân

Sở TN&MT chủ trì thẩm định các hồ sơ pháp lý về BVMT theo thẩm quyền. Hồ sơ pháp lý về BVMT của các dự án phải thể hiện đầy đủ các thông tin về vị trí các bãi đổ đất (đá) thải (có thông báo địa điểm đổ thải của Sở Xây dựng, biên bản thống nhất địa điểm đổ đất/đá thải với huyện, địa phương thực hiện dự án); Đánh giá sự phù hợp, tác động môi trường của bãi đổ thải với các đối tượng xung quanh; Thể hiện được rõ các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường tương ứng…; Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong quá trình thi công xây dựng, vận chuyển, đổ thải của các dự án; Thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Ngăn chặn kịp thời các trường hợp đổ trộm, đổ đất đá thải không theo đúng quy hoạch.

UBND các huyện/TP có trách nhiệm phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý cho UBND phường/xã về quản lý, giám sát quá trình thu gom, vận chuyển CTRXD; Tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm; Yêu cầu các tổ chức cá nhân thi công không sử dụng hè phố, lòng đường, nơi công cộng làm nơi lưu giữ chất thải rắn xây dựng; Các chủ nguồn thải sử dụng phương tiện vận chuyển không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải khi vận chuyển; Các dự án thi công tại các khu du lịch trọng điểm (Sa Pa, Bắc Hà) không tổ chức vận chuyển đất/đá thải, nguyên vật liệu xây dựng vào dịp cuối tuần. Địa phương nào để xảy ra tình trạng đổ thải không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, Lãnh đạo địa phương đó chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Văn bản cũng yêu cầu các Sở/ngành chuyên quản (Giao thông vận tải, Công Thương, NN&PTNT, Ban Quản lý các khu kinh tế, Thương mại và Du lịch…) khi cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng… bám sát các quy định về BVMT, quản lý chất thải.

Nguồn: tapchimoitruong

Tin khác đã đăng