Lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó



Để tăng cường hiệu quả của công tác dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, cần ưu tiên thực hiện các hoạt động đo mưa, cắm mốc cảnh báo và xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết hơn. Đó là nhận định của ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tại hội thảo “Thảm hoạ thiên tai - lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó”, do Bộ NN&PTTN phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức sáng nay (3/10), tại Hà Nội.

Gia tăng lũ quét, sạt lở đất

Theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài, hiện tượng lũ quét, sạt lở đất có xu thế tăng rõ rệt những năm gần đây, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc. Năm 2014 có khoảng 30 trận lũ quét sạt đất xảy ra, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2013. Năm 2016 cũng đã xảy ra 29 trận, làm 31 người thiệt mạng.

Số người thiệt mạng do loại hình thiên tai này trong năm 2017 đến nay đã tăng lên 49 người. Riêng đợt lũ quét và sạt lở xảy ra tại 4 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu hồi đầu tháng 8/2017 đã làm 47 người thiệt mạng và mất tích; làm đổ sập và cuốn trôi 239 ngôi nhà, tổng thiệt hại lên tới 1.400 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại hội thảo

Về công tác cảnh báo, dự báo, các đơn vị dự báo đã tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo đến cấp huyện. Tính đến tháng 9/2017, có 79 trạm đo mưa chuyên dùng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh được xây dựng. Tuy nhiên, độ chính xác của bản tin dự báo, cảnh báo còn hạn chế, phạm vi cảnh báo rộng và số lượng các trạm đo chuyên dùng còn rất ít, mật độ thưa. Việc truyền tin từ xã đến người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi chưa thực hiện truyền tin xuống cộng đồng do không có hệ thống truyền tin dưới cơ sở.

Về vấn đề trượt lở, Bộ TN&MT đã triển khai đề án Chính phủ về “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”. Theo đó, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Viện ĐCKS) phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá trên 15 tỉnh miền núi phía Bắc.

Đề án cũng đã hoàn thành công tác lập bản đồ phân vùng cảnh báo tỷ lệ 1:50.000 cho 4 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai và Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La. Năm 2017, tiếp tục  lập bản đồ cho các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn. Tuy vậy, tồn tại hiện nay là tỷ lệ bản đồ quá nhỏ không thể hiện rõ, ngoài ra, chưa cảnh báo được vùng nguy cơ cao khi có tình huống mưa lớn, mới chỉ cảnh báo trên diện rộng.

Ông Junichiro Kurokawa, Cục trưởng Cục Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản phát biểu tại hội thảo

Theo ông Trần Quang Hoài, đã có 18 tỉnh triển khai đánh giá nhanh về chỗ ở an toàn khu vực miền núi. Theo kết quả khảo sát của 12 tỉnh đã có báo cáo, khoảng hơn 36.000 hộ có chỗ ở kém an toàn với trượt lở, lũ quét; 1.686 hộ cần di dời khẩn cấp. Số lượng hộ cần di dời khẩn cấp lớn nhưng đang rất thiếu kinh phí để triển khai.

Cần chú trọng công tác cảnh báo, dự báo

Đứng từ góc độ địa phương, đại diện UBND tỉnh Sơn La cho biết: lũ quét, sạt lở xảy ra bất ngờ, bất thường, bất kỳ, xảy ra nhanh và thường vào ban đêm. Bởi vậy, rất khó dự báo, khó xác định và đúc kết kinh nghiệm để chủ động, chuẩn bị ứng phó. Mặc dù mạng lưới các trạm khí tượng htuyr văn quốc gia, các trạm đo mưa đã phục vụ tốt  trên các lưu vực sống, suối chính (sông Đà, sông Mã, Nậm La, Nậm Pàn, suối Tắc) nhưng lượng mưa lớn bất thường, cục bộ có thể xảy ra ở mọi địa điểm nên rất khó dự báo, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng cao, vùng nông thôn dân cư sinh sống ven suối, khe hẹp. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc khẳng định, với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, phía Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tăng cường công tác dự báo sớm diễn biến thiên tai, thời tiết bất thường. Đặc biệt là xây dựng các trạm quan trắc, trạm cảnh báo, tìm kiếm những mô hình cảnh báo sớm để giúp người dân.  Luật KTTV cũng đã có quy định các chủ hồ chứa bắt buộc phải xây dựng trạm quan trắc, cung cấp thêm số liệu để phục vụ công tác dự báo.

Về bản đồ cảnh báo trượt lở đất đá, các địa phương trong quá trình sử dụng có vướng mắc đều có thể phản hồi lại với Bộ TN&MT, phục vụ công tác chi tiết hóa bản đồ hơn nữa. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức cho người dân đang sống trong vùng nguy hiểm, chủ động các biện pháp tự cứu mình khi có lũ quét, sạt lở đất bất ngờ xảy ra. Điều này rất quan trọng bởi thiên tai, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất đều xảy ra bất ngờ trong thời gian rất ngắn.

Đồng quan điểm, ông Junichiro Kurokawa, Cục trưởng Cục Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản cho rằng, giải pháp quan trọng là từng bước nâng cao ý thức người dân. Đây là kinh nghiệm Nhật Bản rút ra trong phòng chống thiên tai nói chung, lũ quét, sạt lở đất nói riêng. Cần liên tục đầu tư các cơ sở phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, tích lũy thông tin về mực nước sông ngòi, các công trình đập đưa vào vận dụng vào hoạt động cảnh báo sớm.

Mô hình cảnh bão lũ quét được giới thiệu tại hội thảo

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, để khắc phục lâu dài những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương; cần phải có một cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và uỷ ban dân tộc miền núi, ban chỉ đạo Tây Bắc trong PCTT, đặc biệt là phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, cần gắn liền với việc cơ cấu lại nơi ở, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu.

Các giải pháp cần ưu tiên là tăng cường công tác dự báo, cảnh báo; xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỉ lệ chi tiết, xác định được các ví trị tiềm năng xảy ra nguy cơ. Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đưa thông tin kịp thời tới vùng sâu, vùng xa (thôn bản). Các địa phương cần có chính sách định canh, chuyển đổi phát triển kinh tế vùng miền núi nhằm giảm phá rừng; di dời dân cư phòng tránh thiên tai. Ngoài ra, công tác đào tạo và tăng cường nhận thức cho chính quyền các cấp và lấy người dân làm trung tâm. Có chương trình phòng chống thiên tai tổng thể cho khu vực miền núi.

“Để thực hiện được điều này, chúng ta cần hết sức quan tâm đến sự kết hợp giữa nhà nước và khối tư nhân, đặc biệt phải xác định khoa học công nghệ là hoạt động cấp thiết, hàng đầu trong việc nhận diện và ngăn ngừa được các chuyển biến bất lợi của thiên tai”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng khẳng định.

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng