Ngày Khí tượng Thế giới (23/3): Giữa ngút ngàn gió núi Sapa



Để có được thông tin chính xác về lượng mưa, hướng gió, thời tiết nắng hay mưa các quan trắc viên của Trạm Khí tượng Sa Pa (Lào Cai) từng ngày vẫn âm thầm làm việc, không quản mưa gió cùng sự khắc nghiệt của thời tiết giữa ngút ngàn gió núi, mây mù của dãy núi Hoàng Liên Sơn.


Trạm trưởng Lê Thị Liên ghi lại số liệu hàng ngày

Trạm Khí tượng Thủy văn Sa Pa là một trong 4 trạm khí tượng của quốc gia đạt tại tỉnh Lào Cai. Trạm Khí tượng Sa Pa thành lập năm 1960 theo quyết định của Nha Khí tượng và duy trì liên tục đến ngày nay, vị trí sân vườn quan trắc không có gì thay đổi. Trạm có nhiệm vụ thực hiện đo đạc các thông tin kỹ thuật về thời tiết, khí hậu trên địa bàn huyện Sa Pa sau đó chuyển các thông tin tới Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Bộ nếu đó là mùa khô, còn mùa mưa, thông tin sẽ được chuyển tới Trạm Khí tượng Thủy văn đặt tại thành phố Lào Cai. Những thông tin này được chuyển tới bộ phận dự báo thời tiết để tổng hợp tin thời tiết trong vùng Sa Pa – Lào Cai phục vụ cho nông nghiệp và du lịch.

“Trạm Khí tượng Thủy văn Sa Pa của chúng tôi đặc biệt hơn các trạm khác ở chỗ ngoài việc quan trắc thời tiết phục vụ cho bà con lao động, sản xuất, ở đây thông tin về nắng mưa còn phục vụ cho nghành du lịch. Bởi Sa Pa đã được quy hoạch thành điểm du lich quốc gia, nên việc nắng hay mưa ảnh hưởng rất nhiều tới các chuyến du ngoạn của khách tới với nơi này” – đó là chia sẻ của chị Lê Thị Liên trạm trưởng phụ trách trạm khí tượng thủy văn Sa Pa.

Sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng thăm trạm, khi quay về phòng làm việc chị Liên kể: “4 lần trong một ngày sáng, trưa, chiều, đêm, tới giờ “ốp” (thời điểm quan trắc), quan trắc viên phải ra vườn khí tượng đo đạc và ghi số liệu. Công việc này chúng tôi phải thực hiện thật nghiêm túc và đúng quy định của ngành. Trạm Khí tượng Thủy văn Sa Pa có 3 quan trắc viên đều là nữ, hàng ngày, 3 chị em thay nhau thực hiện việc đo hướng gió, giờ nắng, lượng mưa. Do tính chất công việc cần sự chính xác cao nên dù thời tiết có khắc nghiệt như bão, tuyết rơi, những cán bộ khí tượng của Trạm vẫn có mặt tại bình độ đo để tác nghiệp, ghi lại đầy đủ dữ liệu độ ẩm, mưa, gió, nhiệt độ một cách chính xác. Việc tác nghiệp, càng khó khăn hơn, khi vào mùa mưa, con số phải cập nhật liên tục, nếu để xảy ra một sơ suất dù là rất nhỏ trong dự báo, không chỉ có hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế mà nó còn gây thiệt hại đến tính mạng con người.

Chị Tô Thị Hội, quan trắc viên  tâm sự: “Đời sống của quan trắc viên vốn đã vất vả, thiếu thốn, đối với phụ nữ càng khó khăn hơn vì thường xuyên phải trực đêm, xa nhà và ít có cơ hội chăm sóc gia đình con cái. Khổ hơn là với những người có con nhỏ, nhiều buổi trực có khi phải đem con tới trạm, nếu so với nghề khác, nhìn có vẻ không vất vả nhưng thực tế, nghề của chúng tôi không chỉ vất vả mà còn đòi hỏi tỉ mỉ, thận trọng và kiên nhẫn. Tác nghiệp lẻ loi, đơn độc ở những nơi hẻo lánh, thu nhập thấp nhưng vì đam mê nghề nghiệp nên vẫn bám trụ lấy nghề. Nghề đếm gió, đo mưa ngoài trình độ chuyên môn, máy móc cũng là một phần không nhỏ để đo chính xác các thông của thời tiết. Muốn có một bản tin thời tiết cụ thể, chính xác để phục vụ bà con trong sản xuất nông nghiệp hay là một chuyến du ngoạn thành công máy móc cần phải đảm bảo các thông số đủ tiêu chuẩn. Những thiết bị ở đây, mặc dù, năm nào cũng được mang đi kiểm định đủ tiêu chuẩn nhưng đều cũ kỹ lạc hậu hết cả rồi, nhiều máy móc có từ khi Trạm Quan trắc Khí tượng Thủy văn này mới vào hoạt động, nghĩa là có từ những năm 1960, vì thế, việc quan trắc để cho độ chính xác cao cũng đòi hỏi quan trắc viên phải có trình độ cao và chịu khó học hỏi.

Tận mắt chứng kiến những công việc hàng ngày của những cán bộ khí tượng thủy văn, chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa của những việc làm bình dị đó. Những thông tin dự báo khí tượng, thủy văn chính xác giúp cho bà con giảm bớt nhưng hậu quả do thiên tai gây ra. Có được những thông tin chính xác đó là sự đóng góp không nhỏ của những quan trắc viên khí tượng thủy văn – những bác sỹ “chẩn bệnh cho trời”.

Nguồn: Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng