Ngày Khí tượng Thế giới (23/3): Lần đầu tiên có Atlas mây dạng số



Trong ngày Khí tượng Thế giới (23/3) năm nay, lần đầu tiên, tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cập nhật phiên bản Atlas mây dưới dạng số trên mạng. Phiên bản này cung cấp các nhóm mây được phân loại với hàng trăm hình ảnh về các đám mây. Có thể nói, đây là bước tiến kỹ thuật số - Atlas cho kỷ nguyên Internet.

Atlas mây dạng số cung cấp các hình ảnh về từng loại mây
Từ 2 cuốn Atlas mây…

Atlas mây quốc tế là tài liệu tham khảo toàn diện, có độ chính xác cao về mây. Đó là thành quả, tâm huyết của những đam mê, nghiên cứu không mệt mỏi của các nhà khoa học.

Hơn hai nghìn năm trước, nhà triết học Aristotle đã có các nghiên cứu về mây và viết một luận thuyết diễn giải vai trò của mây trong chu trình thủy văn. Tuy nhiên, phải đến những năm đầu thế kỷ 19, Luke Howard, một nhà khí tượng học nghiệp dư sống ở Anh, mới là người đầu tiên tạo ra bảng phân loại mây.

Dựa trên những lưu trữ đầy đủ của ông về thời tiết trong khu vực Luân-Đôn từ năm 1801 đến năm 1841, Howard đã xác định ba chi chính, hay còn gọi là danh mục của các đám mây: mây tích, mây tầng và mây ti. Việc xác định, mô tả và đặt tên mây cho tới nay vẫn còn rất quan trọng đối với nghiên cứu thời tiết và khí hậu.

Từ bảng phân loại  này, cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học đã cho ra đời Atlas mây quốc tế phục vụ việc nghiên cứu thời tiết thiên văn. Bản Atlas này bao gồm nội dung hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn của mây và rất nhiều hình ảnh về mây cùng một số hiện tượng thời tiết khác.

Đến năm 1956, Cuốn Atlas mây được xuất bản lần đầu bao gồm 2 tập. Tập một là hướng dẫn kỹ thuật tiêu chuẩn. Tập hai có khoảng 220 tấm ảnh của các đám mây và sao băng. Mỗi bức ảnh được đi kèm với một bản giải thích để hiểu được các hình ảnh mà không có định nghĩa kỹ thuật và những mô tả chi tiết có trong tập một. Cuốn Atlas mây đã được sửa đổi và cập nhật nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 1987 với việc bổ sung các hình ảnh mới.

…..Đến Atlas mây dạng số.

Từ khi được xuất bản, cuốn Atlas mây được xem như một công cụ đào tạo và tài liệu tham khảo đạt tiêu chuẩn cho các nhà khí tượng học cũng như cho những người làm việc trong ngành hàng không, biển và trong nông nghiệp.

Để hữu ích hơn cho hệ thống quan trắc cũng như đáp ứng yêu cầu sử dụng ngày càng cao, năm 2013, tổ chức WMO đã xem xét để cập nhật cuốn Atlas mây và đưa ra phiên bản số. Như một biện pháp tạm thời của WMO, cuốn Atlas mây đã được scan và có sẵn trên trang web của WMO.

Ban Thiết bị và Phương pháp quan trắc (CIMO) của WMO đã thành lập một nhóm công tác là các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới để kiểm tra tính khả thi của việc cập nhật Cuốn Atlas mây như là một công cụ dựa trên web. Nhóm các chuyên gia nghiên cứu xem xét làm thế nào để nâng cao tính hữu ích của cuốn Atlas mây. Số hóa hình ảnh cuốn Atlas mây  bao gồm những thông tin cơ bản và mong muốn những hình ảnh bổ sung với các ví dụ ảnh mới của nhiều loại mây khác nhau.

Nhóm nghiên cứu cũng xem xét làm thế nào để cuốn Atlas có thể sử dụng được trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau kể cả điện thoại di động và máy tính cũng như phục vụ cho nhiều đối tượng khác, không chỉ dành cho đối tượng quan trắc chuyên nghiệp như trước đây.

Sau nhiều ngày chờ đợi, lần đầu tiên, Atlas phiên bản năm 2017 được công bố vào Ngày Khí tượng Thế giới dưới dạng số trên mạng ở địa chỉ: http://wmo-cloudatlas.org/index.php/en/. Phiên bản này cung cấp các nhóm mây được phân loại, với hàng trăm hình ảnh về các đám mây như nhóm đám mây cuộn, các vệt mây khi máy bay bay qua, hay cả các đám mây hình gợn sóng. Ngoài ra, Atlas còn chứa các thông tin quan trọng về các hiện tượng khí tượng khác như cầu vồng, quầng mặt trời, lốc tuyết và mưa đá.

Những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và nhiếp ảnh đã thúc đẩy WMO thực hiện các nhiệm vụ sửa đổi, cập nhật đầy tham vọng từ các hình ảnh do các nhà khí tượng, các nhiếp ảnh gia và người đam mê nghiên cứu về mây.

Trong thông điệp gửi tới các quốc gia thành viên nhân ngày Ngày Khí tượng thế giới, GS. Petteri Taalas, Tổng Thư ký WMO nhấn mạnh, nhiệm vụ cốt lõi của WMO là dùng sự hiểu biết về các hiện tượng thời tiết và khí hậu để bảo vệ cuộc sống, tài sản của người dân và hỗ trợ cộng đồng trở nên vững vàng hơn; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các Chính phủ để cung cấp các dịch vụ về khí hậu, thủy văn, hàng hải và môi trường tốt nhất có thể để bảo vệ cuộc sống, tài sản và để hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách.

Nguồn: Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng