Ngày nước Thế giới (22/3): Tiết kiệm nước, tăng hiệu quả kinh tế



Sự phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hướng tới sản xuất hàng hóa đòi hỏi ngày càng lớn về nguồn nước tưới. Thế nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nguồn nước khan hiếm vào mùa khô, việc tối ưu hóa nguồn nước tưới cho cây trồng là yêu cầu bắt buộc. Có thể ghi nhận một địa phương áp dụng hiệu quả mô hình tưới nhỏ giọt, tưới nước ẩm tự động, tận dụng nguồn nước trong nông nghiệp.

* Ninh Thuận: Giám 40-60% lượng nước tưới

Ninh Phước – một huyện trọng điểm về Ninh Thuận, đã thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây trồng được triển khai từ hơn 10 năm nay. Nhiều hộ dân trồng rau màu ở xã An Hải, huyện Ninh Phước cho rằng, hiệu quả của mô hình tưới nước tiết kiệm mang lại khá rõ đối với vùng đất cát thiếu nước tưới.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận, mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây trồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn mang lại hiệu quả cao về môi trường, nhất là đối với tỉnh luôn xảy ra hạn hán như Ninh Thuận. Nhờ áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa tầm thấp nên đã tiết kiệm được từ 40% đến 60% lượng nước tưới; giảm được 30% công lao động; tiết kiệm 30% lượng phân bón; giảm khoảng 4% chi phí đầu tư nhưng lợi nhuận tăng từ 9% đến 11% so với phương pháp tưới kiểu truyền thống.

Thấy được hiệu quả của mô hình tưới nước tiết kiệm mang lại, đồng thời để ứng phó với hạn hán có thể xảy ra gây thiệt hai cho sản xuất, năm 2017, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục chủ động nhân rộng thêm 44 mô hình tưới nước tiết kiệm trên rau màu, cây ăn quả.

* Tỏi Lý Sơn tránh thiên tai nhờ hệ thống tưới phun

Trước đây, để cung cấp nước cho tỏi, hành, bắp, dưa… người dân Lý Sơn nhờ vào nước mưa hoặc dùng ống nhựa dây bơm từ giếng lên để tưới. Khi tưới nước ít nhất cần 2 người, một người đỡ dây, một người điều chỉnh ống tưới. Nếu giếng xa phải cần 3-4 người đỡ dây nên tốn kém về nhân công, tiền của và cả tài nguyên nước. Nhưng vài năm gần đây, từ khi có điện lưới quốc gia, nhiều người dân tiên phong bắt hệ thống tưới phun bán tự động.

Thực tế cho thấy tưới bằng dây ống nhựa thì nước cung cấp cho cây trồng không đều, chỗ nhiều, chỗ ít thậm chí có nơi nước không đến, dòng nước phun ra rất mạnh… làm thân cây bị dập… ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng.

Hệ thống tưới phun có hạt nước nhỏ, nhẹ và đều khắp mặt đất (có thể điều chỉnh lượng nước tưới phun cho phù hợp với từng loại),  vì thế cây trồng được an toàn, sinh trưởng đồng đều, năng suất tăng lên khoảng 20% so với cách tưới truyền thống. Mặt khác tưới phun tiết kiệm từ 30 – 50% lượng nước tưới so với cách tưới truyền thống trước đây. Đây là điều rất quan trọng và là một trong những giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, bởi nguồn nước ngọt ở đảo Lý Sơn vốn rất khan hiếm. Hiện tại, có hơn 150/340 ha đất sản xuất được lắp đặt hệ thống tưới phun.

Nhờ chủ động trong việc tưới nước phun tiết kiệm mà huyện Lý Sơn đã mạnh dạn chuyển dịch mùa vụ cây trồng để tránh điều kiện bất lợi gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Vụ đông xuân năm 2016-2017, huyện đã bố trí trồng tỏi chậm hơn 1-2 tháng so với mùa vụ trước đây (thu hoạch vào tháng 01-02 âm lịch, trước đây thu vào dịp trước và sau tết Nguyên Đán tháng 12-01 âm). Nhờ đó tránh được mưa phùn gió bấc trong dịp tết, tỏi cho năng suất cao, chất lượng cũng tốt hơn và việc sử dụng công lao động vừa tiết kiệm vừa thuận lợi.

* Sơn La: Người dân đồng quản lý công trình cấp nước

Người dân xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La dựa hoàn toàn vào nguồn cấp nước từ công trình thủy lợi hồ Lái Bay. Ban đầu công trình này không mang đến hiệu quả cao do địa bàn rộng, hệ thống đường ống phải vận hành phức tạp, không có người quản lý thường xuyên, người dân chưa có ý thức cao về tiết kiệm nước.

Để khắc phục tồn tại trên, tháng 10/2015, Chi cục Thủy lợi Sơn La đã thực hiện  thí điểm mô hình quản lý tưới tiết kiệm nước hồ Lái Bay, với việc Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư xây dựng và vận hành. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 921 triệu đồng, trong đó, nhà nước đầu tư đồng hồ đo nước và các phụ kiện kèm theo; nhân dân đóng góp tuyến ống từ sau đồng hồ đến nơi sử dụng.

Ông Vũ Ngọc Tường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La thông tin: Đây là công trình thủy lợi cấp nước tưới ẩm đầu tiên được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, quản lý được lượng nước tưới bằng đồng hồ đo nước đến từng hộ gia đình. Công trình thu được 100% tiền nước từ các hộ gia đình sử dụng nước của công trình.

Đặc biệt, nước tiêu thụ cấp cho sản xuất, sinh hoạt hiện nay đã được tiết kiệm triệt để, không còn tình trạng thất thoát, lãng phí như trước. Sau 8 tháng lắp đồng hồ, mô hình đưa vào quản lý sử dụng cho 332 hộ gia đình, lượng nước tiết kiệm được khoảng 30% so với khi chưa lắp đồng hồ, giúp điều tiết nước cho các tháng mùa khô, đồng thời đủ nước để có thể cấp mở rộng thêm cho các hộ dân có nhu cầu thuộc các xã Phỏng Lái và Chiềng Pha.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong sử dụng nguồn tài nguyên nước theo hướng tiết kiệm, hợp lý có sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Người dân hiểu rõ nước cũng là một loại hàng hóa và sử dụng nước phải trả tiền, do đó phải tiết kiệm, phải có trách nhiệm bảo vệ và sử dụng hợp lý, không để thất thoát lãng phí. Đồng thời, từ nguồn kinh phí đó, công trình có thể chủ động duy tu sửa chữa, kịp thời khắc phục ngay những hư hỏng.

Hệ thống tưới nước ẩm tự động ở Sơn La

 Có thể thấy, bước đầu, mô hình quản lý tưới tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, góp phần quan trọng trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, dẫn đến tăng khả năng phục vụ của công trình hồ chứa nước, góp phần phát triển sản xuất, dân sinh kinh tế của khu vực. Quan trọng hơn, mô hình được chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ cao, bảo đảm tính bền vững, rất cần được xem xét nhân rộng thêm tại các địa bàn khác, nhất là những vùng khan hiếm nước của tỉnh Sơn La.

Nguồn: Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng