Nồng độ CO2 trong khí quyển trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục



LHQ cảnh báo cần hành động quyết liệt để đạt được các mục tiêu về khí hậu trong Hiệp định Paris năm 2015.

Theo LHQ, nồng độ CO2 trong khí quyển tăng nhanh hồi năm ngoái với tốc độ kỷ lục chưa từng thấy trong hơn 3 triệu năm qua.

Báo cáo mới đây đã gây nhiều lo ngại cho các nhà khoa học và thúc giục các quốc gia phải xem xét giảm phát thải mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán về khí hậu sắp tới ở Bonn, Đức.

Theo bản tin khí nhà kính trong báo cáo hàng năm của Cơ quan thời tiết LHQ, nồng độ CO2 trung bình trên toàn cầu đạt 403,3 phần triệu (ppm) vào năm 2016, tăng từ 400 ppm hồi năm 2015 do hoạt động của con người kết hợp với hiện tượng El Nino”.

Sự gia tăng này xảy ra bất chấp sự suy thoái và thậm chí là không thay đổi của phát thải vì El Nino làm tăng hạn hán và làm suy yếu khả năng hấp thụ CO2 của thực vật. Khi hành tinh nóng lên, El Nino được dự báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Nồng độ CO2 tăng 3,3 ppm từ năm 2015 – 2016 cao hơn đáng kể so với mức tăng 2,3 ppm trong 12 tháng trước đó và mức tăng trung bình hàng năm trong thập kỷ vừa qua là 2,08 ppm. Nồng độ này cũng cao hơn nhiều so với năm 1998 với mức tăng là 2,7 ppm.

Ô nhiễm không khí từ một nhà máy điện đốt than cũ ở Kosovo. Ảnh: World Bank / Lundrim Aliu

Nghiên cứu sử dụng tàu giám sát, máy bay và các trạm trên đất liền để theo dõi các xu hướng phát thải từ năm 1750, qua đó, cho thấy nồng độ CO2 trong khí quyển đang tăng gấp 100 lần so với thời kỳ băng hà cuối cùng do tăng dân số, phá rừng và công nghiệp hóa.

Lần cuối cùng Trái đất có nồng độ CO2 tương tự là trong thời kỳ Pliocene cách đây từ 3 đến 5 triệu năm, khi mực nước biển cao hơn 20 m so với hiện nay.

Các tác giả của nghiên cứu kêu gọi những nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh các biện pháp đối phó để giảm nguy cơ nhiệt độ toàn cầu vượt quá mục tiêu khí hậu Paris từ 1,5 – 2 độ C.

“Nếu không cắt giảm khí CO2 và các khí thải nhà kính khác, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự gia tăng nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này, cao hơn nhiều so với mục tiêu của Hiệp định Paris về BĐKH”, Petteri Taalas, Tổng Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhấn mạnh.

Động lực từ Hiệp định Paris năm 2015 đang chao đảo vì sự thất bại của các nước trong việc thực hiện cam kết của họ. Trong một báo cáo được công bố ngày 31/10, Chương trình Môi trường LHQ cho thấy khoảng cách giữa các mục tiêu quốc tế và các cam kết trong nước sẽ khiến cho thế giới nóng lên vượt quá mục tiêu 2 độ C và có thể vượt mức 3 độ C. Những nỗ lực hành động quốc tế cũng đã bị suy yếu bởi quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Khói thải ra từ một nhà máy điện ở Bottrop, miền Tây nước Đức. Hình ảnh: Patrik Stollarz / AFP / Getty Images

Ông David Ray, Giáo sư về quản lý khí các-bon tại trường Đại học Edinburgh, Anh cho biết: “Điều này sẽ làm gióng lên hồi chuông trong các cấp lãnh đạo chính phủ. Chúng ta biết rằng, khi BĐKH gia tăng, khả năng hấp thụ khí thải các-bon của đất và đại dương sẽ giảm đi. Vẫn còn thời gian để kiểm soát lượng khí thải này nhưng nếu con người không hành động nhanh chóng, chính họ sẽ trở thành hành khách trên con đường BĐKH một chiều nguy hiểm”.

“Những con số không biết nói dối. Chúng ta vẫn đang phát thải quá nhiều và điều này cần phải đảo ngược. Những gì chúng ta cần bây giờ là ý chí chính trị toàn cầu và hành động khẩn cấp”, người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc Erik Solheim nói.

Báo cáo đưa ra trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng hấp thụ CO2 trong tự nhiên đang suy yếu. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều cánh rừng đang bị khai thác và suy thoái nhanh đến mức chúng thải ra nhiều khí thải hơn là hấp thụ.

Piers Forster, Giám đốc Trung tâm khí hậu Quốc tế Priestley thuộc Đại học Leeds, Anh khẳng định: “Sự gia tăng này cho thấy điều quan trọng nhất lúc này là giảm lượng khí thải xuống mức không và càng sớm càng tốt. Nếu thảm thực vật không thể hấp thụ lượng khí thải của chúng ta trong những năm nóng nực như hiện nay, chúng ta sẽ gặp rắc rối”.

WMO dự báo năm 2017 sẽ phá vỡ kỷ lục về nồng độ CO2 và khí mêtan, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ không nhanh vì không có hiệu ứng El Nino.

Nguồn: UN & Guardian

Tin khác đã đăng