Quảng Ngãi: Giải quyết dứt điểm tranh chấp 360,6 ha đất cao su



Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về đất trồng cao su tại các xã Bình Nguyên, Bình Khương, huyện Bình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh vừa có công văn chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi khẩn trương hoàn thành hồ sơ thuê đất, trình UBND tỉnh quyết định, làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty.

Không cho công ty khai thác mủ, người dân tự ý cạo mủ cao su bán, cạo mủ không đúng quy trình kỹ thuật làm hư hại vườn cây

​Yêu cầu Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi phải phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng hộ dân lấn chiếm trái phép đối với diện tích Công ty đang sử dụng ổn định, diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi phát hiện hộ dân xâm chiếm trái phép, báo cáo ngay cho chính quyền địa phương.

Đối với 360,6 ha đất cao su đang còn vướng mắc về quyền sử dụng đất, đề nghị Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thống nhất chủ trương không còn nhu cầu sử dụng diện tích này. Đối với diện tích đất đủ điều kiện cho thuê đất, Công ty khẩn trương  hoàn chỉnh thủ tục, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; hoàn thành trước ngày 30/3/2017.

Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn báo cáo cụ thể việc các hộ dân lấn chiếm 360,6 ha đất trồng cao su tại các xã: Bình Khương, Bình Nguyên, hiện trạng cây trồng trên đất, đề xuất biện pháp giải quyết đối với diện tích đất này; hoàn thành trước ngày 15/3/2017.

Trong thời gian chờ giải quyết tranh chấp, một số hộ dân trồng cây keo, mì trong diện tích trồng cây cao su

Giao Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc và Công an các huyện có liên quan có trách nhiệm theo dõi diễn biến vụ việc, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định.

Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp, đối thoại và có nhiều văn bản chỉ đạo để giải quyết vướng mắc về đất đai giữa các hộ dân với Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến nay vướng mắc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, các Sở ngành tỉnh và các cấp chính quyền địa phương tuy đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng hiệu quả chưa cao, đặc biệt là UBND các xã: Bình Khương, Bình Nguyên chưa thực sự quyết liệt trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, chưa tích cực phối hợp với công ty trong việc giải quyết các vướng mắc về đất đai.

Sau bão năm 2009, Công ty tổ chức dọn dẹp đất để chuẩn bị trồng lại thì người dân tranh chấp và kéo dài cho đến nay

Được biết trước đây (năm 1999), thực hiện chủ trương của Nhà nước, gần 300 hộ dân xã Bình Khương đã giao hơn 350 ha đất lâm nghiệp của gia đình cho Công ty cao su Quảng Ngãi quản lý để trồng cao su đại điền trong thời hạn 49 năm. Nhằm chuyển đổi cơ cấu trồng và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. UBND tỉnh thống nhất chỉ hỗ trợ tài sản trên đất, không bồi thường về đất và được người dân đồng ý, tự nguyện nhận tiền và giao lại đất cho Công ty TNHH MTV cao su Quảng Ngãi.

Đối với Công ty cao su có trách nhiệm hỗ trợ, giải quyết việc làm cho hộ có đất chuyển giao. Đến năm 2009, khi cây cao su bắt đầu cho mủ thì bất ngờ gặp cơn bão số 9 khiến phần lớn diện tích cây cao su trên bị quật nát. Số cây cao su ngã đổ được Công ty cao su Quảng Ngãi khai thác “bán tháo”. Đầu năm 2010, Công ty tổ chức dọn dẹp đất để chuẩn bị trồng lại thì người dân tranh chấp. Tháng 7/2013, UBND tỉnh tổ chức cuộc đối thoại với các hộ dân có diện tích đất tranh chấp với công ty tại xã Bình Khương nhưng cũng chưa tìm được tiếng nói chung giữa hai bên và việc tranh chấp kéo dài cho đến nay.

Đến nay, dù UBND tỉnh và công ty đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết kiến nghị, nhưng nhiều hộ dân vẫn tỏ thái độ bất hợp tác. Người dân có đất giao nay vẫn đòi lại đất, không cho công ty khai thác mủ, tự ý cạo mủ cao su bán, cạo mủ không đúng quy trình kỹ thuật làm hư hại vườn cây. Ngoài ra, các hộ dân còn tự ý trồng cây keo, mì trong diện tích trồng cây cao su của công ty; đồng thời chặt phá, đốt rừng cây cao su gây thiệt hại nặng cho công ty. Một số khu vực thì cỏ dại đã phủ kín, rất lãng phí. Rất nhiều hộ gia đình cũng như phía công ty rất mong muốn các cơ quan chức năng sớm giải quyết thỏa đáng, hợp tình giữa công ty với người dân.

Nguồn: Võ Hà – TN&MT

Tin khác đã đăng