Sẽ có thay đổi lớn với ngành khai thác kinh tế biển, đảo



Biển và các đảo của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng chồng chéo trong quản lý khai thác và sử dụng biển; mâu thuẫn nhu cầu phát triển giữa các ngành và mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển với bảo tồn hệ sinh thái. Muốn giải quyết vấn đề này cần có quy hoạch sử dụng biển, đây là công cụ giúp cho việc khai thác, sử dụng một cách bền vững. Được biết, Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo đã tham mưu cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có Dự thảo trình Bộ TN&MT và trình Chính phủ phê duyệt. Để hiểu hơn về vấn đề này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Toàn – Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo Việt Nam

PV: Xin ông cho biết, quy hoạch sử dụng biển chúng ta đang xây dựng dựa trên những nguyên tắc nào? Quy hoạch này có thay đổi lớn gì đối với hiện trạng khu vực biển chúng ta đang thực hiện, sử dụng hay không?

Ông Nguyễn Đức Toàn:

Việc lập Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam được thực hiện dựa trên 5 nguyên tắc chính, đó là: Bảo vệ, duy trì cấu trúc và chức năng quan trọng của các hệ sinh thái (Quản lý dựa vào hệ sinh thái). Đây là nguyên tắc cốt lõi được ưu tiên xem xét, phân tích và đánh giá trong quá trình lập quy hoạch; liên kết, tích hợp các thành phần, chức năng của biển, thu hút sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình quy hoạch (Quản lý tổng hợp); lập và triển khai liên tiếp các kế hoạch trên cơ sở giám sát, đánh giá, kế thừa và điều chỉnh hợp lý, đảm bảo không xảy ra hậu quả môi trường không thể khắc phục (Quản lý thích ứng và phòng ngừa); tuân thủ đường lối, chính sách và phù hợp với các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh của Việt Nam; tuân thủ pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến biển.

Tuy vậy, ngoài những nguyên tắc trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh tới bản chất của Quy hoạch này là phân vùng biển theo giá trị tài nguyên, sinh thái, nhu cầu sử dụng của các ngành kinh tế và quốc phòng, an ninh bằng sự đối sánh giữa giá trị tài nguyên, sinh thái với nhu cầu khai thác, sử dụng và xử lý các vùng chồng lấn thông qua việc xác định mức độ ưu tiên của các hoạt động sử dụng biển và bảo tồn giá trị tự nhiên, sinh thái biển. Trên cơ sở đó, các mâu thuẫn, những chồng lấn giữa các hoạt động trong mỗi vùng cụ thể sẽ được nhận diện và từng bước giải quyết góp phần cho việc khai thác, sử dụng biển, đảo hiệu quả và duy trì cấu trúc và chức năng hệ sinh thái.

Từ những đặc điểm, nguyên tắc đưa ra, có thể thấy, Quy hoạch này chắc chắn sẽ có sự thay đổi đáng kể so với hiện trạng các khu vực biển mà chúng ta đang sử dụng hiện nay. Bởi lẽ trên tinh thần giải quyết xung đột, chồng chéo và xác định rõ mức độ ưu tiên, quy hoạch này sẽ giải quyết hài hòa hơn mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế trên biển. Một bài toán luôn khó đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam

Cũng phải khẳng định rằng, đây là quy hoạch định hướng, đa ngành, là cơ sở điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển của các Bộ, ngành và địa phương có biển và tác động tính cực trong việc khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Một góc biển Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: MH

PV: Quy hoạch này sẽ được định hướng và phân vùng chức năng như thế nào để đáp ứng được yêu cầu tạo đà cho sự phát triển bền vững kinh tế biển, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Toàn:

Đây là một quy hoạch có tính chất rất đặc biệt. Bởi lẽ, nếu như các quy hoạch đã có dựa trên các mục tiêu đơn ngành là chủ yếu, quy hoạch này là quy hoạch đa ngành, dựa trên hệ sinh thái và từ đó sẽ kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; lấy hệ sinh thái làm trụ cột để phân vùng, điều chỉnh, sắp xếp lại các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển cũng như giải quyết các mâu thuẫn, chồng lấn trong khai thác sử dụng tài nguyên biển.

Vì tính chất đặc biệt của quy hoạch này, chúng tôi mất khá nhiều thời gian để xây dựng nó. Bởi như chúng ta đã biết, một quy hoạch đưa ra để điều chỉnh sự chồng lấn hoặc có tính chất hạn chế phát triển một ngành nào trên một khu vực nào đó thường vấp phải không ít khó khăn. Khó khăn hơn, đây là loại quy hoạch về bản chất là phân chia vùng, không gian biển để sử dụng,  nên nó cũng khá mới mẻ tại Việt Nam.

Chúng tôi đã dựa trên nhiều kiến thức khoa học tập hợp từ các quốc gia có biển, đã thực hiện quy hoạch hiệu quả phát triển kinh tế biển từ các nước trên thế giới. Nguyên liệu đầu vào của quy hoạch này cũng là tập hợp đầy đủ quy hoạch đã có của các ngành kinh tế trên vùng biển Việt Nam cộng với những tài liệu có được qua điều tra cơ bản của ngành TN&MT và các ngành kinh tế biển khác.

Nhưng chúng tôi cũng nói rõ, quy hoạch này không phải là sự ghép nối, chồng lấp một cách cơ học các loại quy hoạch, mà trên cơ sở các “nguyên liệu này”, chúng tôi đã thiết lập một ma trận với việc phân vùng biển chức năng… Do đó, sẽ có những vùng được chỉ định phát triển loại kinh tế này, hạn chế loại khác và ngược lại.

Hiện theo dự thảo Quy hoạch, chúng tôi đã phân 6 vùng. Đó là: Vùng sử dụng đặc biệt; vùng ven bờ chú trọng bảo tồn và phát triển mạnh kinh tế tổng hợp; vùng ven bờ phát triển kinh tế tổng hợp kết hợp bảo tồn; vùng ưu tiên khai thác dầu khí; vùng ưu tiên khai thác hải sản; vùng cho các hoạt động sử dụng khác.

Mỗi loại vùng được định nghĩa, có tiêu chí phân loại, chính sách sử dụng với các hoạt động được phép, không được phép và hạn chế. Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1:1.000.000 đối với toàn vùng biển Việt Nam và tỉ lệ 1:250.000 đối với vùng biển từ bờ ra hết vùng lãnh hải.

Và như vậy, quy hoạch sử dụng biển Việt Nam đến năm 2050 và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017 – 2025 không chỉ tạo đà cho sự phát triển bền vững đối với các ngành kinh tế biển, mà còn góp phần bảo vệ các giá trị về quốc phòng – an ninh, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển của nước ta.

PV: Vậy xin ông cho biết, với quy hoạch hướng đến bảo vệ hệ sinh thái, môi trường biển, liệu tương lai chúng ta sẽ có những khu vực trở thành “vùng cấm” cho hoạt động khai thác và phát triển kinh tế hay không?

Ông Nguyễn Đức Toàn:

Trong các vùng quy hoạch sử dụng biển Việt Nam, mặc dù chưa cụ thể những vùng cấm, nhưng mỗi loại vùng đều có quy định sử dụng gồm các hoạt động được phép, hoạt động không được phép và hoạt động có điều kiện, là mức độ cho phép hoạt động đó theo không gian và thời gian trong mối tương quan giữa các hoạt động tại vùng được quy hoạch, ví dụ như: Đối với vùng chú trọng bảo tồn và phát triển, các hoạt động khai thác hoang đất ngập nước, nhận chìm ở biển là không được phép; một số các hoạt động khai thác sử dụng biển khác là có điều kiện.

Khi triển khai quy hoạch chi tiết các tiểu vùng, các vùng cấm với các hoạt động khai thác và phát triển kinh tế cụ thể sẽ được quy định và tiếp tục được cụ thể cụ thể hoá trong Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ như: vùng lõi của các khu bảo tồn biển, vùng bảo vệ cho phục hồi, các vùng quốc phòng – an ninh trọng yếu…

PV: Với một khu vực vùng bờ, nơi có hoạt động phát triển kinh tế xã hội rất sôi động và cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường biển rất lớn, quy hoạch này có những đề xuất gì và các địa phương, Bộ, ngành sẽ phải sử dụng nó như thế nào để hạn chế tình trạng chiếm hành lang bảo vệ bờ biển để xây biệt thự, nhà nghỉ, khu du lịch tràn lan như hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Toàn:

Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam được xây dựng theo Luật Biển Việt Nam, với phạm vi là vùng nước biển tính từ mép nước trở ra đến hết vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, trong đó, bao gồm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; vùng đất ven biển không thuộc phạm vi của quy hoạch này. Tuy vậy, các địa phương, Bộ, ngành cần điều chỉnh quy hoạch của mình trong phạm vi vùng bờ để tương thích với các vùng đã được quy hoạch trong trong Quy hoạch này.

Trong giai đoạn 2017 – 2019, nối tiếp Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam, Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo tiếp tục tham mưu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch này sẽ quy định chi tiết, cụ thể các hoạt động vùng bờ nhằm đảm bảo việc sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường vùng bờ, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng – an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, để vùng bờ luôn sôi động trong phát triển kinh tế và duy trì được chức năng hệ sinh thái, môi trường trong lành và đảm bảo an sinh xã hội cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, các Bộ ngành và địa phương phải thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên trong đó có vùng bờ và biển, xử lý nghiêm các hành vi trái pháp luật;

Thứ hai, triển khai đồng bộ, có hiệu quả chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ tại các địa phương ven biển;

Thứ ba, đẩy nhanh việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; quản lý tốt hành lang bảo vệ bờ biển sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xử lý nghiêm các hành vi cố ý lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ biển.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng