Thêm nhà máy nhiệt điện than: Môi trường sẽ ra sao?



Hiện cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than và sẽ tăng lên 52 nhà máy vào năm 2030. Điều này đang khiến dư luận lo lắng bởi những tác động tiêu cực đến con người, môi trường của những nhà máy nhiệt điện than đã được thực tế chứng minh. Tiếp tục lựa chọn nhiệt điện than liệu có phải là con đường đúng đắn hay không?

Nguy cơ ô nhiễm môi trường

Theo Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh Không Lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) các nhà máy nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 50% trong nhóm các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cần giám sát đặc biệt.

Trong hai năm qua, VSEA đã thực hiện nhiều nghiên cứu liên quan đến các tác động môi trường, xã hội và sức khỏe của cộng đồng từ hoạt động khai thác than và nhiệt điện than. Báo cáo tổng hợp về tác động môi trường và xã hội của than và nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam của VSEA chỉ ra rằng các nhà máy Hải Phòng I&II, Quảng Ninh, Thái Bình I&II, Mạo Khê, Vĩnh Tân II, Vũng Áng I &II, và Duyên Hải I đang là nguồn gây ô nhiễm không khí, nước và ảnh hưởng tới sinh kế của người dân địa phương. Các cộng đồng dân cư xung quanh các nhà máy nhiệt điện than đang phải đối mặt hàng ngày với những lo lắng về ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng tới sinh kế, thậm chí bức xúc khiếu kiện.

Tại Việt Nam hiện nay có 20 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, ước tính, thải ra trên 3 triệu tấn xỉ than hằng năm, cùng với đó là một lượng tro bay lớn. Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2030 tổng công suất nhiệt điện than tăng lên 75.000 MW, điều đó đồng nghĩa với lượng xỉ than tro đáy sẽ lên đến gần 35 triệu tấn chưa kể hàng chục triệu tấn tro bay.

Điều đáng nói là lượng tro xỉ lớn nhưng hiện nay các nhà máy nhiêt điện chưa tìm được giải pháp đầu ra cho tro xỉ. Cặn tro xỉ tại các bãi thải xỉ thường kết tụ kim loại nặng có thể gây ô nhiễm nguồn nước; nước mưa tràn từ bãi thải xỉ có thể mang tính acid hoặc kiềm gây hại cho sinh thái khu vực. Còn tro bay chứa bụi; khí NOx;  SO2 nếu không có các giải pháp công nghệ kiểm soát khí thải thì hàm lượng bụi sẽ cao gấp 10 đến 100 lần; SOx cao gấp 5 đến 10 lần, NOx cao gấp 4 đến 10 lần so với quy chuẩn.

Theo kiểm tra của Bộ Công Thương, hiện nay vẫn còn 2 nhà máy có công nghệ cũ nên không lắp hệ thống xử lý SO2 là Nhiệt điện Phả Lại I và Ninh Bình). Riêng khói bụi, với công nghệ hiện nay, khi khởi động lò hơi hoặc khi công suất lò thấp phải đốt kèm dầu FO, HFO (lúc này hệ thống lọc bụi tĩnh điện chưa hoạt động) có hiện tượng khói đen tại miệng ống khói. Về quản lý chất thải nguy hại, kết quả kiểm tra cho thấy: một số nhà máy vẫn mắc một số lỗi thu gom và phân loại chất thải nguy hại chưa triệt để, xây kho lưu giữ chất thải nguy hại không đúng quy định, quản lý chứng từ chất thải nguy hại chưa chặt chẽ…

Mặc dù Bộ Công Thương đã chỉ đạo các chủ đầu tư, doanh nghiệp nhanh chóng xử lý nhưng qua đó có thể thấy chúng ta chưa kiểm soát hết được những nguy cơ tiềm ẩn mà nhiệt điện than có thể gây ra. Mối nguy cho môi trường, sức khỏe của người dân vẫn hiện hữu.

… Vẫn phát triển nhiệt điện than

Trong khi các nước trên thế giới đang cắt giảm sử dụng than, mới đây Bắc Kinh (Trung Quốc) đã hoàn tất việc đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than. Tại Mỹ, nhiều dự án nhiệt điện than đã dừng đầu tư với công suất cắt giảm khoảng 47 GW và gần 50 GW các dự án khác đang được xem xét cắt giảm thì tại Việt Nam Bộ Công Thương vẫn đang miệt mài lấy ý kiến các địa phương, Bộ, ngành về địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực Long An. Dù đây là nhà máy nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện cho miền Nam trong khoảng 10 năm tới nhưng có rất nhiều ý kiến phản đối.

Nhiều ý kiến cho rằng, tại sao không phát triển hoàn toàn điện sạch như gió, mặt trời và thủy triều. Nếu đặt nhà máy nhiệt điện than ở đây, giáp với TPHCM thì môi trường sống của hàng chục triệu dân thành phố này sẽ bị đe dọa trong tương lai khi vận hành nhà máy.

Trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định: Dù có sử dụng công nghệ mới, nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than nếu đặt tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc sẽ tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường như phát tán bụi, xả thải tro xỉ than, nước thải công nghiệp… ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của khu đô thị cảng Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè (TPHCM). Đồng thời, nhà máy nhiệt điện còn có khả năng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nuôi trồng thủy sản khu vực huyện Cần Giờ (TPHCM).

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TPHCM): Đặt vị trí xây nhà máy nhiệt điện giáp ranh với TPHCM là không hợp lý bởi tro xỉ nhiệt điện, khói thải cho dù có đưa lên cao tầng ống khói hơn 3.000 mét thì khi gặp gió Tây Nam đặc trưng của vùng này từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, nhiều khả năng khói thải, tro xỉ sẽ luân chuyển trong không khí phát tán đến các khu đô thị, khu dân cư của TPHCM. Xét về kinh tế môi trường thì xây nhiệt điện ven sông Soài Rạp là không đủ điều kiện, bởi sẽ đánh đổi nhiều giá trị khác về hệ sinh thái, môi trường.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lưu ý các đơn vị tư vấn chọn địa điểm cần tính đến việc bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh sông Vàm Cỏ và sông Cần Giuộc từ hoạt động lấy nước mát và thải nước làm mát từ các nhà máy nhiệt điện. Đặc biệt, lưu ý đến khả năng không khí (bị chất thải gây ô nhiễm) phát tán đến TPHCM đồng thời áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để phòng ngừa, giảm thiểu tác động do rủi ro và sự cố môi trường như úng lụt, sạt lở bờ sông trong quá trình thi công, vận hành.

Nguồn: Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng