TP.HCM: Đốc thúc chống sạt lở, ngập nước



Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành, UBND các quận huyện thực hiện ngay các biện pháp chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải cần khẩn trương công bố các vị trí sạt lở nguy hiểm trên địa bàn TP; sớm hoàn thành các tuyến kè chống sạt lở và lập kế hoạch duy tu, sửa chữa các tuyến kè đã xuống cấp; xử lý ngay đoạn kè bị nước triều xâm nhập, tràn bờ tại khu vực Lasan Mai Thôn, phường 28 ( quận Bình Thạnh) gây ngập úng trên diện rộng.

Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, kênh rạch, đê bao phòng chống triều cường, xả lũ Hồ Dầu Tiếng ven sông Sài Gòn trên địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi ( thuộc dự án nâng cấp, gia cố cấp bách hệ thống thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn).  Xử lý các dự án tiêu thoát nước đang trong quá trình thi công đã chặn dòng gây tắc nghẽn dòng chảy dẫn đến làm phát sinh các điểm ngập mới; lắp đặt bổ sung các cửa van, cửa xả đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập úng cho khu vực; kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các máy bơm, trạm bơm, cống kiểm soát triều Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy – ruột Ngựa, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, trạm bơm Thanh Đa…

Tình trạng sạt lở tại bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh)

Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình Giao thông – Đô thị sớm hoàn thành các dự án trên địa bàn các quận 5, 6, 8, 11. Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi đẩy nhanh tiến độ 3 dự án đê bao ven sông Sài Gòn trên địa bàn huyện Củ Chi (dự án Nâng cấp công trình Thủy lợi An Phú – Phú Mỹ Hưng; dự án Đê bao sông Sài Gòn từ Rạch Cầu Đen đến Rạch Sơn, xã An Nhơn Tây; dự án Đê bao ven sông Sài Gòn từ Rạch Láng The đến Sông Lu, xã Trung An).

UBND Thành phố cũng yêu cầu Công an TP.HCM được giao lập kế hoạch phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông để chấn chỉnh, xử lý kiên quyết, triệt để các trường hợp khai thác không phép, trái phép gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch.

UBND các quận, huyện, đặc biệt là các quận 12, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện cần nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình đến nay vẫn còn tồn đọng và các công trình đã được chấp thuận chủ trương năm 2016-2017; kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch, vận chuyển xe quá tải trọng cho phép qua công trình đê bao, bờ bao…

Riêng 5 công trình bờ bao sử dụng cừ nhựa uPVC đã xảy ra sự cố trên địa bàn huyện Củ Chi,chủ đầu tư cần chỉ đạo thực hiện xử lý các vị trí bờ bao xảy ra sự cố sụp lún, sạt lở, nghiêng cừ nhựa uPVC; đồng thời hoàn thành dứt điểm các vị trí bờ bao bị sự cố để sớm hoàn thành nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm 2017.

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng