TP.HCM dự kiến hoàn thành phân loại rác tại nguồn năm 2020



TP.HCM đã phân loại rác tại nguồn từ năm 1999. Cũng có những lần thất bại nhưng có những “điểm sáng”, nhiều nơi thực hiện hiệu quả và đang triển khai nhân rộng…

Công nhân thu gom rác phân loại tại hẻm 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Phân loại rác tại nguồn được xem là nền tảng cho sự thành công trong khâu xử lý, tái chế rác, môi trường sẽ sạch đẹp hơn.

“Đổi rác lấy quà”

Năm 2013, TP.HCM thí điểm việc phân loại rác tại nguồn tại hẻm 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm và hẻm số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 với gần 200 hộ dân tham gia. Năm 2017, UBND TP quyết định: mỗi quận huyện chọn ít nhất 1 phường, xã, thị trấn để phân loại rác tại nguồn. Dự kiến đến năm 2020, toàn TP sẽ hoàn thành cơ bản việc phân loại rác tại nguồn.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, đến nay có 14/24 quận, huyện triển khai công tác phân loại rác ở phạm vi phường; 9/24 quận, huyện chọn thực hiện phạm vi cụm dân cư hoặc tuyến đường liên phường.

Nhiều khu vực công cộng đã được lắp đặt các thùng rác hai ngăn, có hướng dẫn cách phân loại rác… Có nơi phát túi nilông và hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn.

Bà Bùi Thu Trâm – phó chủ tịch UBND P.Phước Bình, Q.9 – cho biết UBND Q.9 chọn P.Phước Bình thí điểm việc phân loại rác tại nguồn. Phường đã phát túi đựng rác để người dân làm quen phân loại rác.

Theo đó, túi đựng rác có màu sáng sẽ dùng đựng rác hữu cơ (rau củ quả, thức ăn thừa…), còn túi màu tối đựng các loại rác còn lại. Hai loại rác này cũng được chia thời gian thu gom khác nhau. Rác hữu cơ thu gom vào các ngày thứ hai, tư, sáu và chủ nhật. Rác còn lại thu gom vào thứ ba, năm, bảy. Sau một thời gian thực hiện, người dân góp ý: nếu rác hữu cơ thu gom cách ngày sẽ gây mùi hôi nên phường đã điều chỉnh thời gian thu gom hằng ngày, riêng thứ ba và thứ sáu sẽ thu gom hai loại rác một lúc.

“Tất cả nhà cán bộ, viên chức ở địa phương thực hiện trước và được kiểm tra việc thực hiện trước nhằm làm gương và tuyên truyền vận động người dân toàn phường thực hiện” – bà Trâm cho biết.

Mô hình đổi rác phân loại lấy quà do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM triển khai tại Q.Tân Phú cũng khá thành công và duy trì nhiều năm nay.

Ông Cao Văn Tuấn, trưởng phòng kiểm tra chất lượng công ty, cho hay những ngày đầu chỉ vài trăm hộ dân trên một số tuyến đường tham gia, đến nay đã có hơn 1.200/1.900 hộ dân (chiếm hơn 60%) trên địa bàn Q.Tân Phú tham gia phân loại rác tại nguồn.

“Dự kiến trong năm 2018 sẽ được tiếp tục mở rộng thêm các trường học, cơ quan hành chính và các chung cư trên địa bàn” – ông Tuấn cho biết. Với cách làm này, tổng lượng rác tái chế thu về được hơn 2.200 kg/tháng. Người dân phân loại rác sẽ được tặng quà là phiếu mua hàng siêu thị tương đương giá trị lượng rác tái chế phân loại giao cho lực lượng gom rác.

Đây chính là yếu tố thành công giúp chương trình phân loại rác của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM duy trì thời gian qua.

Cùng thay đổi thói quen

Việc phân loại rác tại nguồn đã có kết quả bước đầu. Nhưng rác sau khi được phân loại tại nguồn sẽ được vận chuyển và xử lý theo quy trình như thế nào? Để quy trình phân loại rác trở thành nề nếp cần sự quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt là sớm đồng bộ thiết bị thu gom, vận chuyển và điều chỉnh thời gian lấy rác hợp lý nhất.

Bà Bùi Thu Trâm cho biết: sau một thời gian triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn, 50% hộ dân đã thực hiện phân loại rác. Trở ngại lớn nhất, theo bà Trâm, là phương tiện thu gom vẫn còn thô sơ, chưa được thiết kế có vách ngăn để chứa riêng hai loại rác; dù tuyên truyền nhưng người dân vẫn chưa thay đổi thói quen cho tất cả rác vào một bao.

Ông Cao Văn Tuấn kiến nghị để tiếp tục công tác phân loại rác tại nguồn cần có khoản kinh phí (dùng đổi quà) cho các hộ dân đã phân loại rác. Thông qua biện pháp “kinh tế” này, dần dần góp phần tạo thói quen phân loại rác tại các cộng đồng dân cư.

Trong khi đó ở góc độ địa phương, bà Trâm cho rằng phường sẽ thực hiện phát động thi đua tại các tổ dân phố. Các hộ dân thực hiện tốt sẽ được tặng các thùng rác xanh. Bên cạnh đó, phường đang hướng đến việc vận động hai hộ dân nhà cạnh nhau mỗi nhà sẽ mua một thùng rác để xài chung, một thùng đựng rác hữu cơ và một thùng đựng các loại rác còn lại.

Phường cũng tổ chức vẽ tranh trên tường, treo banner tuyên truyền, đồng thời điều chỉnh giờ thu gom rác từ ngày sang tối hoặc gần sáng để hạn chế kẹt xe và mất mỹ quan đô thị.

Chuẩn hóa xe chở rác

Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho biết TP có phương án thu gom rác đã phân loại. Rác hữu cơ sẽ thu gom hằng ngày, rác còn lại có thể hai hoặc ba ngày trong tuần tùy điều kiện.

Vì vậy, việc thu gom không nhất thiết một xe thiết kế hai ngăn. Để tránh tình trạng rác sau phân loại vẫn trộn lẫn với nhau, hiện nay ở các trạm trung chuyển đều bố trí những container để chứa rác hữu cơ đưa đi xử lý, rác tái chế vẫn có thiết bị chứa riêng.

Cũng theo ông Thắng, TP đã triển khai kế hoạch chuẩn hóa phương tiện thu gom, vận chuyển rác. Gần 900 phương tiện (đa số là xe lôi kéo, xe tự chế) của hệ thống rác dân lập sẽ phải thay đổi bằng phương tiện chuẩn hơn về môi trường, đảm bảo giao thông trước tháng 10-2019.

TP cũng có nhiều chính sách ưu đãi như có nguồn quỹ cho vay lãi suất thấp để thay phương tiện thu gom rác, có chính sách đưa lực lượng rác dân lập vào các hợp tác xã… Ông Thắng cho rằng điều kiện để chuẩn hóa công tác thu gom, vận chuyển, phân loại rác gần như đã có đầy đủ, vấn đề còn lại là sự quyết tâm cùng thực hiện.

Nguồn: tuoitre

Tin khác đã đăng