TP. HCM: Năm 2016, thu gom và xử lý an toàn trên 3 triệu tấn rác thải sinh hoạt



​​Trong năm 2016, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM là 3.037.800 tấn, trung bình 8.300 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 100% (tăng 300.124,56 tấn so với năm 2015).

Xử lý an toàn các loại rác thải

Theo Sở TN&MT TP.HCM,  công thu gom chất thải rắn sinh hoạt bằng 02 hình thức trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, tỷ lệ trực tiếp từ các hộ dân trong các quận khoảng 95%, khoảng 5% còn lại các hộ dân không chuyển giao trực tiếp mà thải bỏ chất thải rắn dọc theo các tuyến đường công cộng. Hàng ngày, Thành phố vẫn có lực lượng thường xuyên quét dọn, thu gom chất thải rắn phát sinh trên vỉa hè, dọc theo các tuyến đường đưa về khu xử lý tập trung. Ở khu vực ngoại thành, tỷ lệ thu gom trực tiếp từ các hộ dân khoảng 85-90%, do ở khu vực ngoại thành còn nhiều đất trống như ao, vườn và một số khu vực thuần nông, vùng sâu vùng xa người dân chưa tiếp cận trực tiếp hệ thống thu gom tại nguồn nên người dân tự xử lý chất thải rắn trong khu đất của mình.

Công nhân vệ sinh môi trường quét rác trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận

Về chất thải y tế, năm 2016 tổng khối lượng phát sinh 8.126 tấn, trung bình 22,3 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế đúng quy định đạt 100% đối với chất thải y tế công lập và 94,2% đối với chất thải y tế tư nhân. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn y tế  trong năm 2016 tăng 1.626 tấn (trung bình 4,5 tấn/ngày) so với cùng kỳ năm 2015.Về chất thải nguy hại, tính đến thời điểm hiện nay, Sở TN&MT đã cấp trên 5.000 Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Tổng số lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn Thành phố được thống kê và ước tính khoảng 350-400 tấn/ngày. Qua phối hợp kiểm tra định kỳ tại một số chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho thấy việc thu gom chất thải nguy hại được thực hiện tại nhà máy ngay từ lúc phát sinh và được lưu chứa trong thiết bị an toàn, tập trung vào một khu vực lưu giữ tại nhà máy. Khi đủ số lượng hay khối lượng, sẽ tiến hành thu gom vận chuyển về các nhà máy xử lý. Chất thải nguy hại của các chủ nguồn thải được chuyển giao xử lý tại các nhà máy xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn TP.HCM hoặc chuyển giao thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý tại các tỉnh thành khác (Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang, Kiên Giang,…) để xử lý hoặc lưu chứa tại các chủ nguồn thải. Do đó, về tỷ lệ thu gom, lưu giữ hoặc xử lý chất thải nguy hại an toàn được thống kê, báo cáo đạt 100%.

Tập trung triển khai các dự án xử lý rác thải

Theo Sở TN&MT TP.HCM, các dự án xử lý rác thải đã có chủ trương và đang thực hiện thủ tục đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình triển khai  gồm các dự án của  Công ty như Công ty Sài Gòn Xanh, Công ty Cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu, Công ty Liên doanh Cổ phần Môi trường Việt Úc – Công ty TNHH Tiến Phước, Dự án khu xử lý rác Long An (Khu công nghệ môi trường xanh Long An).

Dự án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại  Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước  đã  trình Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch; đề nghị  UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo UBND xã Phong Phú và xã Đa Phước tổ chức họp lấy ý kiến của cộng đồng dân cư về quy hoạch Khu Đa Phước.

Dự án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại  Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đã có văn bản gửi Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND huyện Củ Chi có ý kiến về quy mô điều chỉnh quy hoạch, đang theo dõi văn bản trả lời của Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND huyện Củ Chi để kịp thời hoàn chỉnh nhiệm vụ quy hoạch, sớm trình Sở Quy hoạch – Kiến trúc thẩm định.

Phân loại rác tại nguồn còn khó khăn

Theo Sở TN&MT TP.HCM, hiện nay, Thành phố  đang  thí điểm triển khai Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn  tại một số phường của  các quận 1, 3, 5, 6, 12 và Bình Thạnh. Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng đến nay nay cho thấy việc triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn của các quận vẫn còn mang tính cầm chừng, chưa được quan tâm sâu sát. Các quận chưa báo cáo định kỳ thường xuyên theo đề nghị của Sở  TN&MT, mặc dù Sở vẫn thường xuyên đôn đốc, liên tục bằng văn bản. Dẫn đến, Sở thiếu thông tin để hỗ trợ cho các quận giải quyết những khó khăn vướng mắc kịp thời.

Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác đã phân loại tại phường Bến Nghé, quận 1

Theo Sở TN&MT, Thành phố cần bố trí thêm nhân sự cho các quận khi mở rộng chương trình phân loại CTRTN trên địa bàn Thành phố. Vì hiện nay, khi triển khai phân loại trên phạm vi 01 phường như Phường 12 Quận 6 mà không có cán bộ chuyên trách để quản lý riêng chương trình, phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên hạn chế thời gian kiểm tra, giám sát và xây dựng kịp thời các Kế hoạch, giải pháp thực hiện cho chương trình.

Có thể nhận thấy,  hiệu quả của Chương trình phân loại rác tại nguồn phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người dân và được thực hiện bằng hình thức tuyên truyền, vận động là chính do chưa có quy định hình thức xử phạt đối với các người dân không tham gia chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn. Do đó, người dân chưa thấy được lợi ích, quyền và nghĩa vụ để tham gia Chương trình.

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng