Tránh lãng phí nguồn tài nguyên gen



Hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng bền vững và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen; tăng cường năng lực về quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen… là những chủ trương tỉnh Nam Định đang áp dụng để bảo tồn, tránh lãng phí nguồn gen.

tai-nguyen-gen
Vườn quốc gia Xuân Thủy

 *Đa dạng sinh học phong phú

Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) là vùng đất ngập nước (ramsar) đầu tiên của Đông Nam Á và có vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng.

Đây là khu dự trữ sinh quyển ven biển có thảm thực vật rất phong phú và rất nhiều các loài động vật quý hiếm. Theo UNESCO, có khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước đã và đang cư trú tại khu vực này. Nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò thìa, mòng bể, cò trắng bắc…

Tại đây còn có những cánh rừng ngập mặn cung cấp nguồn lợi thuỷ sản phong phú cùng với 500 loài động, thực vật thuỷ sinh và cỏ biển cùng nhiều loài thuỷ, hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng… Tỉnh ta còn có nguồn gen của nhiều giống cây trồng quý hiếm như: gạo tám xoan, cải dầu, mía voi, cam đường Hải Hậu, tám ấp bẹ Xuân Đài (Xuân Trường), nếp Quần Liêu, cải bẹ vàng (Nghĩa Hưng), gạo dự hương Nam Mỹ, khoai lang lim chợ Chùa, rau diếp vàng Nam Giang (Nam Trực)…

Chia sẻ hài hòa

Để giữ gìn, bảo tồn nguồn gen phong phú đó, ngày 29/8/2016, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng bền vững và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen.

Kế hoạch cũng nhằm tăng cường năng lực về quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen cho các sở, ban, ngành có liên quan, UBND cấp huyện, xã và cộng đồng có nguồn gen cần bảo vệ trên địa bàn tỉnh.

Sở TN&MT đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch, thời gian tới sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, tri thức truyền thống về nguồn gen.

Hướng dẫn việc quản lý, kiểm soát và giám sát hoạt động tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen; tổ chức triển khai thực hiện các mô hình thí điểm về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen.

Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng bản địa; cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen.

Bảo tồn và sử dụng bền vững

UBND các huyện, thành phố phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen trên địa bàn. Các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp theo chức năng của mình chủ động tham gia, giám sát hoạt động bảo tồn, sử dụng bền vững và chia sẻ hài hòa lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen.

Tỉnh cũng đề cao, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học chủ động nghiên cứu, nâng cao hiểu biết về tiếp cận, chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen và các quy định của Nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân.

Theo mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu, hệ thống tổ chức, các công cụ quản lý và kỹ thuật tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen được hoàn thiện và vận hành hiệu quả. Cụ thể, UBND tỉnh có đủ năng lực thực hiện cấp phép, giám sát và kiểm soát các hoạt động tiếp cận nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen. Ít nhất 90% cán bộ quản lý có liên quan đến đa dạng sinh học, nguồn gen của các Sở: TN&MT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ và CN, Công thương và 70% cán bộ quản lý có liên quan đến đa dạng sinh học, nguồn gen tại cấp huyện được đào tạo các kiến thức cơ bản và các quy định quản lý về tiếp cận và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen.

Nguồn: Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng