Việt Nam là 1 trong 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới



Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa bị xả ra biển mỗi năm.

Trước đó, báo chí Mỹ dẫn một nghiên cứu cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia xả rác ra đại dương cao nhất thế giới. Công trình do nhóm các giáo sư môi trường tại Đại học Georgia (Mỹ) thực hiện, công bố lần đầu trên tạp chí khoa học Science. Họ ước tính hơn 190 nước đã thải ra đại dương 8,8 triệu tấn rác thải mỗi năm, gồm túi nilon, chai lọ, dao kéo, bao bì thực phẩm, bàn chải đánh răng và nhiều loại khác.

Việt Nam là 1 trong 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới. Ảnh minh họa

Các chuyên gia nhận định việc rác thải tràn ngập ở đại dương kéo theo nhiều hệ lụy, như ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cuộc sống của các sinh vật biển, nguồn hải sản làm thực phẩm cho con người sẽ ăn phải các mảnh rác và bị nhiễm độc, từ đó gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Trong khi đó, tình trạng vi phạm về môi trường đang trở thành vấn nạn, nhất là trong các doanh nghiệp , cơ sở sản xuất kinh doanh… Bên cạnh đó, các hộ dân sống ven sông rạch, khu vực nhà sàn trên sông do có thói quen thải rác, nước thải xuống sông, rạch làm nguồn nước mặt bị ô nhiễm.

Nước thải từ chợ, khu thương mại, dịch vụ, khách sạn phần lớn đều thải ra sông, rạch khi chưa được xử lý. Chất thải rắn ở nhiều khu dân cư (chủ yếu ở các hẻm nhỏ, nơi không có xe thu gom rác đi qua) đổ trực tiếp xuống sông, rạch gây ô nhiễm nguồn nước.

Trong đó, nhiều chất thải nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như bóng đèn huỳnh quang, bình ắc quy… vẫn được nhiều người quăng xuống sông, ra đường, vào thùng rác.

Theo ghi nhận, tình trạng người dân vứt rác bừa bãi ra lòng lề đường và mương rãnh vẫn còn phổ biến gây ô nhiễm nguồn nước. Chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt nếu không được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng thì không chỉ ảnh hưởng mỹ quan đô thị mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Một trong những dạng chất thải nguy hại xem là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường là các chất hữu cơ bền. Những hợp chất này tồn tại lâu trong môi trường, là tác nhân gây ra hàng loạt các bệnh nguy hiểm đối với con người, phổ biến nhất là ung thư.

Đặc biệt, các chất hữu cơ trên được tận dụng nhiều trong đời sống hàng ngày của con người ở các dạng dầu thải trong các thiết bị điện trong gia đình, các thiết bị ngành điện như tụ điện, đèn huỳnh quang, dầu chịu nhiệt, dầu chế biến, chất làm mát trong truyền nhiệt…

Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thu gom và xử lý rác công nghiệp phát sinh từ hoạt động của cơ sở mình, còn lại các loại chất thải khác tại hộ gia đình đều thải xuống sông hay bỏ vào thùng rác. Trong khi đó, nhiều người dân bày tỏ, không có nơi thu gom, vận chuyển, xử lý- nên dù biết là chất thải nguy hại cũng không biết để đâu, xử lý như thế nào.

Từ thực tế trên, Đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam, bà Susan Sutton đã chia sẻ tại buổi thảo luận về Ngày Đại dương Thế giới (8/6) cho rằng, trong bối cảnh tương lai của các đại dương trên thế giới đang đứng trước mối đe dọa từ việc đánh bắt cá tràn lan, ô nhiễm chất dẻo, axit hóa và các nguy cơ khác, bà Sutton nhấn mạnh về các giải pháp như dọn sạch bãi biển, sử dụng những lưới đánh bắt không làm rùa biển mắc kẹt hay phối hợp với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn suy thoái các rạn san hô… để tạo ra những thay đổi trong việc bảo vệ môi trường biển.

Nguồn: baomoi

Tin khác đã đăng