WHO cảnh báo: Ô nhiễm môi trường đã trở thành mối đe dọa lớn hơn cả Ebola và HIV



Ô nhiễm môi trường hiện nay đã trở thành mối đe dọa lớn hơn cả Ebola và HIV. Theo báo cáo đầu tuần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vấn đề môi trường phải chịu trách nhiệm cho một phần tư số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.


Hơn 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm tử vong vì các vấn đề ô nhiễm.
Cụ thể, đó là con số hơn 1,7 triệu trẻ em tử vong mỗi năm, liên quan đến các vấn đề như ô nhiễm không khí, nguồn nước, khói thuốc, điều kiện vệ sinh kém…

Chưa dừng lại, các chuyên gia dự báo mối đe dọa ngày càng gia tăng khi ô nhiễm trở thành vấn đề toàn cầu. Tiêu chảy, sốt rét, viêm phổi, những dịch bệnh dễ gây tử vong nhất cho trẻ em sẽ còn trở nên trầm trọng hơn trong tương lai.

Ô nhiễm môi trường gây ra cái chết cho hơn 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm.

“Môi trường ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây tử vong – đặc biệt là đối với trẻ nhỏ”, Tổng giám đốc WHO, bà Margaret Chan cho biết. “Các cơ quan và hệ thống miễn dịch còn đang trong quá trình phát triển, một cơ thể bé bỏng và đường hô hấp nhỏ khiến trẻ em đặc biệt dễ tổn thương khi tiếp xúc với không khí và nước bẩn”.

Theo bản báo cáo – “Kế thừa một thế giới bền vững: Atlat về sức khoẻ trẻ em và môi trường” – WHO cho biết trẻ em có thể bắt đầu tiếp xúc với các tác nhân ô nhiễm, từ khi còn trong dạ con của người mẹ.

Sau khi được sinh ra và bước vào giai đoạn sơ sinh đến dưới 5 tuổi, trẻ tiếp tục phải sống trong môi trường ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời. Điều này làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, từ viêm phổi cấp đến các bệnh hô hấp mạn tính như hen.

Ô nhiễm không khí cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim, đột qụy và ung thư trong suốt cuộc đời sau này, khi những đứa trẻ vượt qua được giai đoạn 5 tuổi và lớn lên.

Báo cáo lưu ý rằng trẻ em sinh ra trọng các hộ gia đình không có nước sạch và điều kiện vệ sinh đảm bảo sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy và viêm phổi cao hơn. Một mức độ nguy hiểm tương tự với những đứa trẻ sống trong môi trường ô nhiễm với khói.

Trẻ em cũng là đối tượng dễ phơi nhiễm với nhiều hóa chất độc hại, thông qua thực phẩm, nước, không khí và vô vàn sản phẩm xung quanh.


Những đứa trẻ Nepal lượm vỏ chai nhựa trong một bãi rác với nước thải.
Maria Neira, một chuyên gia về Y tế Công cộng tại WHO, cho biết: Tình trạng ô nhiễm không khí đang gây ra những tổn thất nặng nề với thế hệ tiếp theo của nhân loại. Những con số đáng báo động đã xuất hiện khi nhìn vào số ca tử vong và cả tỷ lệ bệnh tật của trẻ em.

Bà kêu gọi các chính phủ cần phải hành động nhiều hơn nữa, nếu họ thực sự muốn biến thế giới trở thành một nơi an toàn hơn cho trẻ nhỏ. Có rất nhiều điều cần phải làm như: đầu tư vào các chiến dịch cải thiện chất lượng nguồn nước, điều kiện vệ sinh, chuyển đổi sang sử dụng nguồn nhiên liệu sạch…

Một số trong đó cần phải được thực hiện ngay vào lúc này, một số sẽ mất thời gian, nhưng tất cả đều phải được thúc đẩy. Các chính phủ phải chứng mình rằng họ thực sự nỗ lực, bởi đó là trách nhiệm của chính phủ.

Trong khi đó, những đứa trẻ của chúng ta vẫn đang được sinh ra và lớn lên từng ngày. Mỗi năm, hơn 1,7 triệu trong số đó sẽ không thể chờ đợi thêm để sống trong một môi trường tốt đẹp hơn.

Theo bản báo cáo mới nhất của WHO, mỗi năm cả thế giới có:

– 570.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi. Nguyên nhân từ ô nhiễm không khí trong nhà, ngoài trời và hít phải khói thuốc thụ động.

– 361.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì tiêu chảy, do không có nguồn nước sạch và hậu quả của điều kiện vệ sinh kém.

– 200.000 trẻ em tử vong ngay trong tháng đầu tiên vì những điều kiện hoàn toàn có thể phòng ngừa, liên quan đến nước sạch, vệ sinh và không khí

– 200.000 trẻ em tử vong khi chưa tới 5 tuổi vì sốt rét, liên quan đến môi trường kém vệ sinh dẫn đến sự sinh sản của muỗi.

Nguồn: moitruong

Tin khác đã đăng