Xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo



Vừa qua, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đến dự và phát biểu tại Hội thảo.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện 28 tỉnh, thành phố có biển trong cả nước.

Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam (Bộ TN&MT) cho biết: Thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”, đến nay các tỉnh, thành phố đã đồng loạt triển khai Dự án, một số tỉnh cơ bản đã hoàn thành các hạng mục công việc theo Thiết kế dự toán được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Hiện nay một số tỉnh đã gửi báo cáo đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ kiểm tra kỹ thuật trước khi trình Hội đồng thẩm định nhà nước nghiệm thu.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Trong Quyết định 513 của Thủ tướng Chính phủ có một nội dung mới rất quan trọng, giao cho Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai đó là “Xác định phạm vi quản lý theo địa giới hành chính đối với các bãi bồi cửa sông, các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên vùng biển Việt Nam được tính bắt đầu từ điểm phân định địa giới hành chính trên đất liền theo hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính đã lập (tại đường mép nước trên bản đồ) đến đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam theo tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1982”. Theo Luật biển Việt Nam năm 2012, vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là vùng nội thủy và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam, tại đó nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Từ khi thực hiện Chỉ thị 364/CT ngày 06/11/1991 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới thực hiện được việc xác định đường địa giới hành chính trên toàn quốc trên đất liền, chưa xác định đường ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo. “Đây là công việc hoàn toàn mới không chỉ đối với các tỉnh, thành phố mà còn mới với cả các cơ quan Trung ương, do vậy cần phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương những nguyên tắc cơ bản và phương pháp để áp dụng vào việc xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo cho các địa phương quản lý để tránh làm nảy sinh những bất cập, quản lý chồng chéo  gây nên tranh chấp, chồng lấn về đất đai, vùng nuôi trồng thủy sản, tài nguyên khoáng sản… Do vậy cần xác định rõ đường ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm phạm vi 28 tỉnh, thành phố có biển từ điểm địa giới cuối cùng trên đất liền ra đến đường cơ sở là việc làm cấp thiết hiện nay” – Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết thêm: Theo Quyết định số 2554/QĐ-BCĐ ngày 29 tháng 7 năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực hiện Dự án 513 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” giai đoạn 2016-2020, theo đó có kế hoạch xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo được triển khai thực hiện từ tháng 7/2017 đến hết năm 2018.

Trong thời gian vừa qua Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực nghiên cứu và chuẩn bị các tài liệu để phục vụ cho việc tổ chức triển khai nhiệm vụ này. Hội thảo “Xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo” với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Lãnh đạo các địa phương, Lãnh đạo các Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh có biển để thảo luận cho ý kiến về các nguyên tắc cơ bản, các phương pháp nhằm xác định đường ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam để làm căn cứ triển khai tại thực địa và tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Biên giới và Địa giới (Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý) cho biết: Việc xác định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo sẽ được tiến hành trên phạm vi 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, Kế hoạch triển khai xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo Việt Nam tại các địa phương, dự kiến từ tháng 10/2017 đến hết tháng 12/2017

Lực lượng triển khai: Các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị thuộc Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.

Ở phía các cơ quan Trung ương có đại diện Lãnh đạo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Đại diện Lãnh đạo Vụ Chính quyền Địa phương – Bộ Nội vụ;

Ở cấp tỉnh có đại diện Lãnh đạo UBND cấp tỉnh; Đại diện Lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh;

Ở cấp huyện có đại diện Lãnh đạo UBND huyện, Lãnh đạo và chuyên viên phòng Nội vụ, phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố;

Ở cấp xã có Chủ tịch UBND và Công chức địa chính xã, phường, thị trấn.

Việc tổ chức thực hiện đã được chuẩn bị kỹ càng. Các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm: Chuẩn bị máy móc, thiết bị lực lượng kỹ thuật để tổ chức thực hiện; Chuẩn bị bản đồ và dự kiến phương án xác định ranh giới hành chính trên biển lên bản đồ để thống nhất giữa Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam và Vụ Chính quyền Địa phương trước khi triển khai ngoại nghiệp; Tập huấn cho các lực lượng kỹ thuật trước khi triển khai.

Đối với Ủy Ban nhân nhân các tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Sở Nội vụ chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phối hợp với đơn vị thực hiện để tổ chức hội nghị triển khai tại các huyện, thị xã, thành phố.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiến hành hiệp thương thống nhất xác định đoạn địa giới hành chính từ điểm địa giới cuối cùng trên đất liền đến đường mép nước biển thấp nhất và từ đường mép nước biển thấp nhất đến đường cơ sở theo phương án xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo. Phối hợp với các đơn vị thi công rà soát đường mép nước biển thấp nhất.

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng