Bà Rịa – Vũng Tàu: Bảo vệ nguồn nước từ ý thức của người dân



(TN&MT) - Hưởng ứng Ngày nước thế giới 22-3, tỉnh BR -VT đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Các hoạt động đó đã được nhiều người dân và cơ quan, đơn vị trên địa bàn quan tâm, thực hiện.

Sử dụng tiết kiệm nguồn nước

Theo Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ở vùng nông thôn, những năm gần đây tình trạng người dân khoan, đóng giếng tùy tiện không đúng kỹ thuật để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu trong nông nghiệp đã gián tiếp gây ô nhiễm và làm sụt giảm trữ lượng nước ngầm. Để bảo vệ nguồn nước, nhiều địa phương khuyến khích người dân sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm.

Với 2,8ha tiêu trồng theo hướng hữu cơ, bền vững không hóa chất, mỗi vụ tiêu ông Nguyễn Minh Tiên, thôn Kim Sơn, xã Bình Giã (huyện Châu Đức) thu hoạch khoảng 10 tấn hạt tiêu. Theo ông Tiên, xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt đã góp phần giảm chi phí đầu vào, hạn chế sâu bệnh gây hại, tăng năng suất cây tiêu. Phương pháp tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân hợp lý bảo đảm độ ẩm và lượng chất dinh dưỡng luôn cung cấp ổn định cho cây tiêu nên cây hồ tiêu sinh trưởng và phát triển rất tốt. “Phương pháp tưới nhỏ giọt không những giảm được lượng nước thất thoát, mà còn tiết kiệm lượng điện tiêu thụ, công lao động, giúp đất luôn tươi xốp và đặc biệt là đã giảm đáng kể chi phí sản xuất cho người trồng tiêu”, ông Tiên nói.

Nông dân đã ý thức được việc sử dụng nước tiết kiệm

Vườn tiêu của ông Trương Đức Hào ở xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc) khá thoáng đãng, sạch sẽ, xanh mướt. Từng trụ tiêu bằng cây gòn được tỉa cành công phu, lối đi được trồng cỏ xuyến chi thành từng luống vừa chống xói mòn vừa giữ độ ẩm cho đất, giúp cho hệ vi sinh phát triển… Theo ông Hào, vườn tiêu luôn tươi tốt nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt. Trung bình 1ha tiêu, nếu tưới bằng phương pháp thông thường, ông phải mất 4m3 nước cho một lần tưới. Nhưng nhờ áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, lượng nước tưới đã giảm được 40%, cho năng suất ổn định từ 4 đến 5 tấn/ha/vụ.

Ông Văn Thanh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cho biết, để có nước tưới nhất là vào mùa khô, người dân đã ồ ạt khoan giếng không theo quy hoạch, vượt quá độ sâu cho phép, làm sụt giảm mực nước ngầm tự nhiên. Nhằm hạn chế việc này, từ năm 2015, ngành nông nghiệp huyện đã vận động, tuyên truyền hướng dẫn bà con nông dân đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm, chống thoát hơi nước tại các vườn canh tác chuyên canh cây công nghiệp như tiêu, cao su, cà phê… Đồng thời, vận động người dân nên chọn những vùng bảo đảm đủ nguồn nước, phù hợp canh tác với mong muốn giảm tác động của việc khoan giếng, ảnh hưởng đến mực nước ngầm tự nhiên.

Bảo vệ nguồn nước

Theo Sở TN-MT, việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước không chỉ đem lại lợi ích cho người dân, mà quan trọng hơn là góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này. Mỗi người dân chỉ cần có những hành động nhỏ là có thể góp phần vào việc BVMT và tài nguyên thiên nhiên. Do đó, thời gian gần đây, việc giáo dục ý thức BVMT, bảo vệ nguồn nước đang được nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm.

Để góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng, mỗi năm Công ty CP Cấp nước BR-VT (BWACO) tổ chức cho khoảng 30 trường học trên địa bàn tỉnh với gần 3.000 HS tham gia chương trình “Hành trình tri thức”, đến tham quan, học tập ngoại khóa tại nhà máy nước Hồ Đá Đen (thuộc BWACO). Chương trình được khởi xướng từ năm 2009 và cho đến nay đã có 14.400 HS tham gia.

Thông qua hoạt động này, các em được bổ sung kiến thức thực tế về quy trình xử lý nước sạch; hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của nước, lợi ích khi sử dụng nước sạch và biết cách bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Tham gia “Hành trình tri thức”, các em còn được hướng dẫn cách sử dụng nước hợp lý và tham gia các hoạt động trò chơi tập thể theo chủ đề bảo vệ môi trường….

Học sinh được thực hành xử lý nước sạch tại Nhà máy nước Hồ Đá Đen trong chương trình “Hành trình tri thức” do Công ty CP Cấp nước BR-VT tổ chức

Em Nguyễn Hương Giang, HS lớp 9/1, trường THCS Châu Thành (TP. Vũng Tàu), cho biết, chương trình “Hành trình tri thức” đã giúp em tiếp cận được những kiến thức tổng hợp về nước, những vấn đề ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước ở Việt Nam hiện nay. “Sau khi tham gia chương trình “Hành trình tri thức”, em luôn nhắc nhở mình và gia đình phải BVMT, không xả thải bừa bãi ra môi trường, nhất là ra ao, hồ, sông suối để bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, phải sử dụng nước một cách hợp lý vì nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Theo em, mọi người đều có thể lan tỏa thông điệp bảo vệ nguồn nước bằng cách tự nâng cao ý thức và kêu gọi mọi người cùng hành động”, em Giang cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết: để kiểm soát nguồn nước ô nhiễm đối với các tổ chức, cá nhân xả thải với lưu lượng trên 1.000m3/ngày, Sở TN-MT yêu cầu phải lắp thiết bị quan trắc tự động theo quy định. Theo đó, các số liệu quan trắc sẽ được cơ quan chức năng cập nhật thường xuyên, có biện pháp xử lý kịp thời nếu nguồn nước vượt quá mức quy định. Ngoài ra, mới đây, Sở TN-MT cũng đã công bố 72 điểm cần lập hành lang nhằm bảo vệ sự ổn định của bờ và chống lấn chiếm đất ven nguồn nước. Trong đó, huyện Tân Thành là địa phương có nhiều điểm cần lập hành lang bảo vệ nguồn nước nhất (22 điểm), với nhiều khu vực quan trọng như: hồ Đá Đen, sông Thị Vải, hồ Suối Nhum, hồ Châu Pha, suối Rạch Ván, đập Ông Trịnh…

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng