Bến Tre: Cần có biện pháp cấp bách chống sạt lở vùng ven biển Ba Tri



Tỉnh Bến Tre có bờ biển dài 65 km, tiếp giáp với biển Đông. Những năm qua, do tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, kèm với sóng to gió lớn, làm sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đời sống cư dân vùng ven biển tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri.

Sạt lở hư hại tuyến đê bao.

Vùng trọng điểm sạt lở nghiêm trọng nhất là khu vực Cồn Nhàn phía ven biển, thuộc ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận (người dân nơi đây quen gọi là Cồn Ngòai). Phần sạt lở dài trên 4 km với diện tích lên đến hàng chục hecta; đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền có nơi hơn 100 mét.

Hướng dẫn chúng tôi khảo sát thực tế, ông Lâm Văn Ô, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, cho biết: Khu vực Cồn Ngoài có 75 hộ với 376 nhân khẩu. Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và trồng các loại hoa màu trên đất giồng cát ven biển. Do tình hình biến đổi khí hậu trong thời gian qua diễn ra khá phức tạp, nên tình trạng sạt lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài hàng năm bị ăn sâu vào đất liền lên đến hàng chục mét. Cụ thể, năm 2010 diện tích Cồn Ngoài được 120ha thì đến đầu năm 2017 này chỉ còn lại khỏang 75ha.

Trụ điện trung, hạ thế bị ngã đổ do tác động của nước biển.

Theo ông Lâm Văn Ô, vào các ngày từ 12 – 14/2 vừa qua, đợt triều cường dâng cao cùng với sóng to gió lớn đã làm sạt lở đất, sạt lở bờ đê bao, sập nhà dân, ngã đổ đường dây lưới điện trung hạ thế, thiệt hại nhiều tài sản và các lọai hoa màu của người dân nơi đây, tổng thiệt hại ước tính lên trên 600 triệu đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, bờ biển sạt lở sâu vào đất liền đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn cuộc sống và tính mạng của các hộ dân, cũng như các công trình đã được đầu tư xây dựng.

Là một trong những người dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ sạt lở mấy ngày qua, ông Huỳnh Văn Ngọat cho biết: “Tôi là người làm ăn sinh sống nơi đây trên 30 năm rồi nhưng chưa có năm nào sóng to và khủng khiếp nhất như năm nay”. Theo ông Ngọat, chỉ mấy ngày đêm, sóng biển đã làm cho ngôi nhà tường kiên cố 60 m2 của ông đổ sập, nhiều vật vụn và hàng hóa bị nước cuốn trôi, thiệt hại khỏang 200 triệu đồng.
Nhà bê tông kiên cố của ông Hùynh Văn Ngọat đổ sập.

Nhà bê tông kiên cố của ông Hùynh Văn Ngọat đổ sập.

Theo những người dân nơi đây, đây là điều bất thường nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên người dân thấy sóng biển tàn phá khủng khiếp như vậy, cột sóng cao nhất có thể lên đến 10 mét đánh vào bờ với lực rất mạnh. Hàng năm, đỉnh triều cường cao nhất là tháng 12 âm lịch, nhưng năm nay lại xảy ra vào tháng giêng âm lịch. Sóng biển cao làm 25 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có 2 căn nhà bị sập, 5 hecta hoa màu bị thiệt hại hòan tòan, đặc biệt có 2 hộ đã mất trắng đất phải đi nơi khác để làm thuê làm mướn tìm kế sinh nhai.

Khắc phục gia cố đê bao tạm thời.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lâm – Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết, sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động phương tiện cơ giới đào đất hỗ trợ cho bà con nhân dân đắp lại phần đê bao bị sạt lở; đồng thời UBND xã kết hợp cùng đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện khảo sát và có kế hoạch khắc phục hậu quả, di dời người dân đến nơi an toàn.

Trước hiện tượng thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương Bảo Thuận tổ chức xây dựng đội cứu hộ, phân công các lực lượng Công an, Quân sự xã kết hợp cùng Bộ đội Biên phòng Hàm Luông đảm bảo trực sẳn sàng để ứng cứu kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Hàng cây phi lao chắn sóng cũng bị nước cuốn trôi.

Xã Bảo Thuận đề nghị cấp trên khẩn trương thi công hoàn thành tuyến lộ vành đai liên xã. Bên cạnh, tiếp tục kiến nghị tỉnh, huyện nên sớm thuận kế hoạch làm hàng rào chắn sóng bằng bê tông kiên cố dài khỏang 2 km trị giá khỏang 100 tỷ đồng nhằm giảm bớt cường độ sóng đánh vào bờ. Được như thế, khi các dự án này hoàn thành, sẽ hạn chế tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở khu vực bờ biển như hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân an tâm lao động, sản xuất.

Nguồn: Bạch Thanh – TN&MT

Tin khác đã đăng