Cấp bách cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm – Hà nội



Vấn đề làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm đã được các ban ngành đặt ra từ lâu. Song tìm phương án nào để vừa đảm bảo yêu cầu môi trường, vừa gìn giữ được hệ sinh thái độc đáo cũng như giá trị lịch sử văn hóa của di tích này, vẫn đang là bài toán cho các quản lý Thủ đô.

*Hồ đang mất khả năng tự làm sạch

Tại hội thảo về cải tạo môi trường nước hồ Gươm do Công ty Thoát nước Hà Nội phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức chiều 15/2, ông Võ Tiến Hùng – Tổng Giám đốc Công ty này cho biết, theo đánh giá của Công ty thoát nước Hà Nội và các nhà khoa học, hồ Hoàn Kiếm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cá và động thực vật chưa được bảo vệ đúng mức khiến chất hữu cơ vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm.

Cùng với đó, lớp đất sét đáy hồ rất dày có nơi hơn 1m nên trong hồ không có quan hệ thủy lực với các tầng chứa nước ngầm và sông Hồng. Hơn nữa, lớp bùn lắng ngày càng dày, chứa nhiều kim loại nặng và khí độc, gây ảnh hưởng môi trường sống của sinh vật.

Mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng oxy hòa tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau, ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều động thực vậy trong hồ. Qua khảo sát, nước trong hồ Hoàn Kiếm có mật độ tảo lớn, chất lượng nước suy giảm, độ pH luôn ở mức cao từ 9,05 đến 9,46, cặn lơ lửng trong hồ cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, hồ đang trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ với BOD, COD gần gấp 2 lần so với quy chuẩn cho phép.

“Với tình trạng nghiêm trọng đó thì việc cải tạo môi trường nước trong hồ Hoàn Kiếm là cấp bách và cần thiết. Nếu không nhanh chóng có các biện pháp cải tạo, hệ thủy sinh và cả màu xanh đặc trưng của nước hồ sẽ dần mất đi vĩnh viễn”, ông Hùng nhận định.

* Cứu hồ – cách nào?

Từ thực trạng trên, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã đề ra các giải pháp chính nhằm cải tạo hồ Hoàn Kiếm. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào 3 giải pháp, gồm: Nạo vét bùn đáy; bổ cập, đảm bảo lưu thông, thay thế nước hồ; sử dụng chất Redoxy 3C để làm sạch nước hồ. Riêng về việc bổ cập, đảm bảo lưu thông, thay thế nước hồ, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất cho khoan giếng tại chỗ để lấy nguồn bổ sung nước bên cạnh nước mưa.

Cho rằng việc lấy nước giếng khoan bổ cập vào hồ Hoàn Kiếm có thể tác động lớn đến sự phát triển và khôi phục sinh thái trong hồ, PGS.TS Trịnh Thị Thanh – nguyên Chủ nhiệm khoa Công nghệ sinh học (trường Đại học Khoa học Tự nhiên) đề xuất, cần nghiên cứu kỹ, đưa ra số liệu cụ thể những tác động môi trường hồ Hoàn Kiếm. Theo bà Thanh, cần hạn chế tối đa việc đưa nước ngầm vào hồ.

PGS.TS Hà Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) góp ý thêm, quá trình nạo vét hồ, nên khoanh vùng làm từng phần, thậm chí là cần phải làm thủ công, tránh dùng máy móc để không gây hại đến sinh vật trong hồ, đặc biệt là cụ rùa hồ Hoàn Kiếm.

Đặc biệt, các nhà khoa học đều chung quan điểm, cần nghiên cứu kỹ việc cải tạo môi trường nước ở hồ Hoàn Kiếm, quá trình cải tạo phải hết sức thận trọng để tránh làm hỏng hệ vi tảo, mất đi màu xanh đặc trưng của Hồ.

Nguồn: T.Bình – CTTĐT

Tin khác đã đăng