Hậu Giang: Thực hiện nhiều giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt



Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2016, ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang yêu cầu: "Trong năm 2017 các ngành, các cấp tỉnh Hậu Giang phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, kênh nội đồng, cống bọng, các trạm bơm điện, bơm dầu; nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng...".

Nhiều hộ nông dân ở tỉnh Hậu Giang đã chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác để thích ứng với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật dự báo của các cơ quan hữu quan, theo dõi nắm bắt tình hình diễn biến của mặn để kịp thời điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp hạn, mặn; khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu hạn, chịu mặn theo hướng dẫn của ngành chuyên môn cũng như làm tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo tốt công tác phòng, chống hạn, mặn tránh thiệt hại về sản xuất của người dân; tăng cường công tác tọa đàm các mô hình kinh tế có hiệu quả, phù hợp với vùng bị hạn mặn để chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân thích nghi tốt với xâm nhập mặn; tổ chức tập huấn cho nhân dân vùng bị xâm nhập mặn về những kiến thức ứng phó có hiệu quả trước tình hình hạn mặn. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng rà soát hệ thống nước sinh hoạt, dùng mọi biện pháp, dụng cụ để tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt mùa hạn, mặn năm 2017.

Theo các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, hiện tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra một số địa phương của huyện Long Mỹ và TP. Vị Thanh. Kết quả đo nồng độ mặn vào đầu tháng 3/2017 tại địa bàn huyện Long Mỹ đang dao động từ 1,8‰ đến 3‰, còn tại TP. Vị Thanh, nồng độ mặn đo được từ 0,2‰ đến 0,8‰. Theo dự báo, khả năng mặn xâm nhập vào địa bàn TP. Vị Thanh trong tháng 3 và tháng 4/2017 sẽ ở mức 9,5‰…

Trước tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện trên địa bàn. Đồng thời, nâng cấp nạo vét các tuyến kênh, đắp đập thời vụ để bảo vệ tốt sản xuất nông nghiệp, chủ động trong công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, tạo được sự an tâm của người dân.

Ngoài ra, tiếp tục xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao tăng thu nhập cho nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng mô hình lúa – tôm theo hướng bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở khu vực nông thôn giúp nông dân thích ứng với điều kiện thời tiết bất thường như hiện nay…

Nguồn: Lê Văn Hùng – TN&MT

Tin khác đã đăng