Khó khăn trong xử lý rác thải ở nông thôn



Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nông thôn đang ở mức báo động. Nguyên nhân là do việc xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt khiến nguồn nước, không khí bị ô nhiễm nghiệm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Rác thải ở khu vực nông thôn chưa có biện pháp xử lý. Ảnh: K.V

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm gần đây, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa thực sự được coi trọng. Nhiều thôn, xã chưa có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác. Cũng theo khảo sát của ngành chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ mới đạt khoảng 40% đến 55%. Phần lớn chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm môi trường, chiếm diện tích lớn. Rác thải, ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày càng trở nên bức xúc, trong khi đó, dịch vụ vệ sinh môi trường hiện chưa phát triển đúng mức. Nếu khu vực đô thị việc thu gom rác được cơ giới hóa thì khu vực nông thôn vẫn bằng thủ công, năng suất lao động, hiệu quả thấp.

Mô hình chủ yếu là giao các tổ tự quản của thôn, xã thu gom rác trong khu dân cư, vận chuyển đến điểm tập kết và doanh nghiệp thu gom vận chuyển từ các điểm tập kết về khu xử lý tập trung của huyện, thành phố. Do phương tiện xe gom không đủ, không đúng quy cách, thời gian thu gom không thống nhất… dẫn tới rác tồn đọng trong khu dân cư. Hầu hết ở các thôn, ấp, xã, phải từ 2 đến 3 ngày, thậm chí có nơi 10 ngày mới thu gom rác một lần. Điểm tập kết rác thường bố trí ở đầu thôn, xóm, mặt đường giao thông chính của xã, không được che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan làng, xóm… Thực trạng này đòi hỏi phải có sự thay đổi về lâu dài theo hướng chuyên nghiệp trong việc thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh an toàn môi trường nông thôn và cho người dân…

Dọc theo các tuyến đường liên ấp, liên xã ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người ta thường bắt gặp hình ảnh những túi nylon, những bao chứa rác thải sinh hoạt được vứt bừa bãi 2 bên lề đường, ném quanh các bụi rậm, có khu vực, rác thải sinh hoạt được chất thành từng đống bên vệ đường. Dọc các kênh, mương cũng không ngoại lệ, nhiều nơi, rác thải được đổ trôi lềnh bềnh trên mặt nước với mật độ càng ngày càng nhiều. Những bãi rác như vậy đang hình thành ngày càng nhiều, chủ yếu là do thiếu nơi tập kết rác thải.

Theo ông Lê Thanh Lê, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên những năm qua, trên địa bàn huyện chỉ trang bị được khoảng 600 thùng chứa rác, các thùng chứa này được bố trí chủ yếu ở những nơi công cộng như các ngã ba, ngã tư trung tâm thị trấn và các xã. Hiện tại, trên địa bàn huyện Tân Hưng có 8/11 xã có hợp đồng với Công ty Công trình đô thị huyện tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, vận chuyển, tập kết về bãi rác tạm của huyện được hình thành hàng chục năm qua để xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt, dù cách này không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước.

Tương tự, tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, tình trạng xả thải bừa bãi ra ruộng đồng các vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật hay chỉ tập kết rác vào một khu vực mà không có biện pháp xử lý đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng ở các vùng quê. Ông Trần Văn Hữu, một nông dân ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên cho biết, mỗi vụ sản xuất gia đình ông phải dùng cho mỗi một sào cấy lúa là khoảng trên dưới hai chục loại bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm hai vụ, nhân lên 10 sào của gia đình ông Hữu sẽ thấy một khối lượng rác thải từ bao bì là khá lớn, và hoàn toàn không được xử lý, cho thấy mối nguy hại chỉ riêng từ rác thải nói trên là rất lớn.

Có thể thấy, ở các vùng nông thôn để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường rất khó do nhiều yếu tố tác động như về phương tiện thô sơ, các hộ sản xuất nhỏ lẻ không đồng bộ hay ý thức của người dân ở đây không cao. Đáng quan tâm hiện nay là ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ô nhiễm môi trường từ các làng nghề thủ công, hoạt động chăn nuôi, thói quen xả rác thải; chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý môi trường nông thôn chưa có đơn vị đầu mối quản lý, ngay từ cấp trung ương. Bởi theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đầu mối quản lý môi trường nói chung nhưng trong quy định về chức năng nhiệm vụ chưa nêu rõ trách nhiệm quản lý môi trường nông thôn. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã giao trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về quản lý hoạt động cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tại làng nghề và khu dân cư nông thôn tập trung lại là trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Cùng với đó, với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ giao đầu mối triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030…

Tại các địa phương, công tác quản lý chất thải rắn cũng đang trong tình trạng không thống nhất, nơi do ngành tài nguyên và môi trường quản lý, nơi lại do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm. Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt ở vùng nông thôn và chất thải rắn làng nghề, công tác quản lý vẫn còn bỏ ngỏ.

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều địa phương đã có những giải pháp hữu hiệu, điển hình như ở nông thôn ngoại thành TP Hồ Chí Minh, việc xử lý chất thải trong quá trình sản xuất khá tốt tốt. Theo đó, ngoài các khu xử lý chất thải tại chỗ do Thành phố đầu tư xây dựng, việc tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi; mỗi tuần, các hộ dân dành 15 phút tự dọn dẹp đoạn đường ngay trước nhà mình có ý nghĩa quan trọng. Ở một số nơi không đủ điều kiện thu gom rác như xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, chính quyền địa phương còn hướng dẫn hàng trăm hộ gia đình tự xử lý rác thải bằng cách ủ phân… Đây là những việc làm không cần huy động sự đóng góp kinh phí của người dân nhưng vẫn đem lại kết quả cao, cần phát huy, nhân rộng.

Còn theo ông Lê Thanh Lê, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Hưng, tỉnh Long An thì, các địa phương cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đối với việc bảo vệ môi trường, không vứt rác thải bừa bãi, với sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở, hướng dẫn các hộ dân thực hiện cách phân loại rác tại nhà. Về lâu dài, để giải bài toán bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm do rác thải sinh hoạt ở các địa phương vẫn là việc nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Đồng thời, các tổ chức, đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tập quán, thói quen xả rác thải, chất thải tùy tiện của các hộ dân, nhân rộng các tuyến đường xanh, sạch, đẹp do phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh khu dân cư tự quản. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan liên quan và địa phương thì bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành việc phân loại, đổ rác đúng nơi quy định; các cấp thẩm quyền cần có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi xả rác bừa bãi, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và nơi công cộng./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Tin khác đã đăng