Ngày nước thế giới 22/3: Nhìn từ mô hình trữ nước ở Bến Tre



“Đồng khởi trữ nước” là chương trình do Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Bến Tre phát động nhằm kêu gọi cộng đồng dân cư trong tỉnh sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất để thích ứng với nguy cơ hạn mặn phức tap.

*Từng hứng chịu hạn mặn lịch sử, nước ngọt quý hơn vàng!

Năm 2016, Bến Tre là một trong 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu đợt hạn mặn khủng khiếp nhất trong lịch sử và đã phải công bố tình trạng thiên tai xâm nhập mặn.

Ranh mặn bao trùm hầu hết đất đai toàn tỉnh Bến Tre, 160/164 xã bị hạn mặn bao vây, 100% diện tích lúa đông xuân của tỉnh bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn… Người dân từ nông thôn đến thành thị đều phải sống trong cảnh thiếu nước sạch trầm trọng.

Sử dụng dè xẻn từng ca nước ngọt trong mùa khô hạn không còn là điều xa lạ với cư dân Bến Tre khi hạn mặn bủa vây. Người dân cũng chắt chiu bằng cách nước dùng rửa mặt, vo gạo thường được… hứng lại để cho gia súc, gia cầm uống hay tưới rau. Mặc dù vậy, mỗi tháng 1 hộ dân bình quân phải chi hàng trăm ngàn đồng để mua nước ngọt (nước giếng chưa qua lắng, lọc) cho nhu cầu cần thiết nhất.

Đến cả người dân ở trung tâm tỉnh lỵ Bến Tre cũng phải chịu cảnh xài nước mặn bởi tất cả các tuyến sông đều bị nhiễm mặn. Chẳng ngoa khi nói rằng, có những thời điểm, nước ngọt với người dân Bến Tre còn quý hơn vàng.

* Nhà nhà trữ nước

Thấm thía nỗi khổ khi thiếu nước ngọt, năm nay, ngay từ đầu mùa khô hạn, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Bến Tre đã phát động chương trình “Đồng Khởi trữ nước”, vận động toàn dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Chương trình này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của người dân. Đơn cử như xã Lương Phú (huyện Giồng Trôm), cả xã có 1.878 hộ dân thì 100% số hộ đều đã xây dựng hoặc lắp đặt các dụng cụ trữ nước bằng nhiều hình thức như: xây hồ, bồn xi-măng, giếng khoan, giếng hộc, dùng bao ni-lông, bồn nhựa trữ nước… Ước tính, trung bình mỗi hộ có thể dự trữ được gần 10m3 nước, thậm chí có hộ đầu tư dụng cụ chứa nước lớn, dự trữ được 70m3 nước ngọt và nước mưa …

Riêng tại trụ sở bảy ấp của xã Lương Phú, xã cũng trích ngân sách đầu tư xây dựng nhiều bồn xi-măng chứa nước công cộng (ba đến năm bồn/ấp), nhằm dự trữ nước ngọt hỗ trợ các hộ dân thiếu nước sinh hoạt, nhất là trong thời gian địa phương bị hạn mặn xâm nhập.

Người dân địa phương không chỉ chú trọng trữ nước sinh hoạt tại gia đình mà còn đặc biệt quan tâm đến việc trữ nước phục vụ sản xuất. Phổ biến nhất là các hộ gia đình xây dựng bồn chứa bằng xi măng với dung tích chứa khoảng 5 đến 7m3 nước. Với những hộ có ao, chuôm thì sử dụng bạt lót xuống đáy ao để hạn chế thất thoát nguồn nước.

Điều đáng quý ở phong trào “Đồng Khởi trữ nước” là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn sẽ được sự chung tay giúp đỡ từ nguồn đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang toàn tỉnh, hoặc các hộ dân hỗ trợ nhau bằng ngày công xây dựng dụng cụ trữ nước. Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh Bến Tre đã vận động được hàng chục tỷ đồng (gồm tiền mặt và dụng cụ trữ nước), hỗ trợ hơn 24 nghìn dụng cụ trữ nước các loại cho gần 19 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

Hiệu quả từ mô hình này đã giúp cho hầu hết các hộ dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre có dụng cụ trữ nước ngọt, phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn năm 2017.

Nguồn: Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng