Ngày Nước thế giới (22/3): Vẽ tranh bằng… nước thải



Một nhóm 7 họa sĩ trẻ người Phillipines đã sử dụng nước thải tại các dòng sông ô nhiễm ở thủ đô Manila làm chất liệu cho các tác phẩm của mình.

Họ đã thu thập các mẫu nước tại nhiều các con sông, rạch bị ô nhiễm tại thủ đô Manila. Mỗi mẫu nước thu được tại các con sông sẽ được đánh số hiệu và dán mác, với các sắc màu khác nhau, tùy vào tình trạng ô nhiễm của từng con sông. Sau đó, họ tiến hành các biện pháp kĩ thuật để biến chúng thành chất liệu màu nước cho các tác phẩm của mình.

Những bức tranh này đã được triển lãm tại thủ đô Malina tháng 5/2016 vừa qua. Mục đích của hoạt động lần này nhằm giúp mọi người hiểu hơn về tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các dòng sông đang diễn ra tại Manila. Theo điều tra của cục quản lý môi trường Philippines, 13% các khu vực sông ngòi tại thủ đô Manila có nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Triển lãm nghệ thuật lần này được tổ chức nhằm quyên góp cho quỹ ABS-CBN Lingkod Kapamilya. Đây là một tổ chức hoạt động vì cộng đồng tại Philippines nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ tại quốc gia này thông qua nhiều dự án liên quan tới giáo dục, môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như các hoạt động xã hội khác.

Việc tìm hiểu về vấn đề môi trường thông qua các tác phẩm nghệ thuật sẽ giúp người trẻ có cái nhìn gần gũi hơn. Hơn nữa, đây cũng là một cách giúp người dân Philippines nâng cao ý thức về vấn đề tái chế và xử lý rác thải, nguồn nước hợp lý và hiệu quả.

Việc sáng tạo trong hội họa là điều các họa sĩ luôn luôn hướng tới để cho ra đời những tác phẩm ấn tượng, gây được tiếng vang lớn. Từ lá cây, cát, côn trùng cho tới những thứ tưởng chừng bỏ đi như túi nilon cũng có thể trở thành chất liệu cho các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, việc sử dụng nước thải để làm chất liệu màu nước cho các bức tranh là điều mà ít người nghĩ tới.

Nguồn: Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng