Quản lý, bảo vệ rạn san hô gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở Bình Định



Qua thực hiện Dự án (DA) “Quản lý, bảo vệ (QL-BV) hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ gắn với phát triển du lịch (DL) sinh thái cộng đồng tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định)”, đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ, nhân dân địa phương về QL-BV rạn san hô tại các vùng ven biển Nhơn Hải.

Bắt sao biển gai để bảo vệ rạn san hô tại vùng biển Hòn Khô là hành động thường xuyên ở Nhơn Hải.

Gắn bảo vệ hệ sinh thái biển và phát triển DL

Theo ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Bình Định, rạn san hô ở vùng biển Nhơn Hải có tổng diện tích trên 38 ha, tập trung từ đảo Hòn Khô đến Hang Yến. Đây là khu vực có cảnh quan dưới nước rất đẹp với nhiều loài san hô cứng, san hô mềm, đa dạng về sinh thái, nhất là vùng đảo nhỏ gần bờ Hòn Khô lớn và Hòn Khô nhỏ. Các rạn san hô ở đây đã trở thành điểm DL sinh thái hấp dẫn với các hoạt động như: tắm biển, lặn ngắm san hô… Tuy nhiên, với số lượng du khách tham gia lặn ngắm san hô ngày càng đông, trong khi hoạt động dịch vụ DL tại chỗ còn mang tính tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp, đã gây ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các rạn san hô. Việc gia tăng hoạt động khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như sử dụng thuốc nổ, chất độc, hóa chất… cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến rạn san hô ở vùng biển này.

Trước tình hình nói trên, Hiệp hội Thủy sản tỉnh Bình Định đã được Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP-GEF SGP) tài trợ thực hiện DA QL-BV hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ và phát triển DL cộng đồng tại xã Nhơn Hải. DA được triển khai thực hiện từ tháng 9-2015 đến tháng 9-2017, với mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực của chính quyền và người dân địa phương về QL-BV và khai thác hợp lý rạn san hô ven biển thông qua các giải pháp truyền thông, lồng ghép với các hoạt động của các hội, đoàn thể địa phương; xây dựng mô hình thí điểm về cộng đồng tham gia quản lý, giám sát, BV rạn san hô tại khu vực quanh Hòn Khô; xây dựng mô hình thí điểm về  HTX dịch vụ DL – thủy sản.

Sau hơn một năm thực hiện, DA đã triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức cuộc thi tìm hiểu và BV rạn san hô cho học sinh trường THCS Nhơn Hải; các hoạt động dọn vệ sinh bãi biển và thi bắt sao biển gai (sinh vật có hại cho san hô) tại các vùng rạn san hô; tập huấn tuyên truyền viên cộng đồng bảo vệ rạn san hô; thành lập HTX dịch vụ DL; tổ chức quan trắc, giám sát các vùng rạn san hô của xã; thành lập tổ BV rạn san hô; xây dựng mô hình cộng đồng QL-BV rạn san hô; thành lập và duy trì sinh hoạt Đội bài chòi cổ dân gian Nhơn Hải… Các hoạt động trên đã làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và năng lực của chính quyền và người dân làm DL đi đôi với trách nhiệm giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo vệ tài nguyên rạn san hô, kết hợp phát triển DL sinh thái bền vững.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, đánh giá: “Được sự hỗ trợ của Ban quản lý DA và các chuyên gia, các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động truyền thông đã tác động lớn đến nhận thức về BV rạn san hô trong cộng đồng dân cư. Rạn san hô ở đây đang dần hồi phục, thu hút rất đông du khách đến tham quan, DL lặn biển. Đặc biệt, việc thành lập HTX Dịch vụ DL thủy sản Nhơn Hải đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần phát triển dịch vụ DL ở địa phương theo hướng kinh doanh có trách nhiệm. Đặc biệt là trách nhiệm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên các rạn san hô để phát triển DL sinh thái cộng đồng”.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của DA

Theo bà Nguyễn Hải Bình, Trưởng nhóm chuyên gia thực hiện DA: Trong quá trình thực hiện, DA đã tập trung hỗ trợ chính quyền và cộng đồng nâng cao nhận thức và năng lực, xây dựng kế hoạch QL có sự tham gia của cộng đồng nhằm BV và khai thác hợp lý tài nguyên biển, đặc biệt là BV hệ sinh thái rạn san hô, gắn với phát triển DL sinh thái biển. Trên địa bàn xã Nhơn Hải đã có 342 cán bộ và người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm. 500 người được tham gia các sự kiện cộng đồng và truyền thông về BV rạn san hô và các hệ sinh thái biển. Có 20 hộ được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình HTX và mô hình cộng đồng quản lý, giám sát rạn san hô.

Ông Trần Thanh Thâm, Giám đốc HTX Dịch vụ DL thủy sản Nhơn Hải, cho biết: “Được sự giúp đỡ của DA và các ngành chức năng cùng UBND TP Quy Nhơn, HTX được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7-2016 với 12 thành viên đại diện cho 10 hộ dân làm DL tại xã tham gia. Đến nay, hoạt động kinh doanh của HTX bước đầu mang lại hiệu quả, tình trạng kinh doanh DL tự phát đã được ngăn chặn; góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên các rạn san hô để phát triển DL sinh thái cộng đồng bền vững”.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên của Quỹ Môi trường toàn cầu (đơn vị tài trợ cho DA), nhận xét: Những kết quả đạt được qua thực hiện DA là rất khả quan, tạo tiền đề quan trọng trong việc QL-BV hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ gắn với phát triển DL sinh thái cộng đồng. Thời gian tới, DA sẽ tiếp tục hỗ trợ địa phương thành lập Quỹ BV rạn san hô, thả đặt lại các phao tiêu, biển báo BV rạn san hô sau mùa mưa bão và bàn giao lại cho UBND xã Nhơn Hải quản lý khi DA kết thúc. DA cũng tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai quy chế quản lý hoạt động DL, nâng cấp cơ sở vật chất của HTX; phối hợp với Sở DL và các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề DL và các nghề khác cho cộng đồng… Từ đó, góp phần BV bền vững hệ sinh thái biển, hỗ trợ cộng đồng đảm bảo mục tiêu ổn định sinh kế. Gắn kết giữa hoạt động kinh doanh DL sinh thái với hoạt động BV tài nguyên, môi trường biển tại địa phương.

Nguồn: Hoàng Nguyên – TN&MT

Tin khác đã đăng