Quy trình vận hành liên hồ chứa: Cứu hạn cho hạ du



Trong cuộc họp tổng kết của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đã nhấn mạnh, năm 2016, Cục có nhiều kết quả nổi bật trong việc xây dựng thể chế và triển khai văn bản pháp luật về tài nguyên nước. Đặc biệt là việc đưa các quy trình vận hành trong mùa cạn vào triển khai trên thực tế đem lại hiệu quả rõ nét, đáp ứng phần nào nhu cầu chống hạn của các địa phương.

Hiệu quả đã rõ

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, đến nay, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa đối với 11 lưu vực sông lớn gồm: Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn – Hà Thanh, Ba, Sê San, SrêPôc và Đồng Nai. Đến thời điểm này, có tổng số 67 hồ chứa, đập dâng phải vận hành theo quy định.

Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước nhấn mạnh: Việc ban hành kịp thời 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra. Đây là cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng hiệu quả hơn nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; gắn chế độ vận hành của công trình với các yêu cầu về phòng, chống lũ và điều tiết nước dưới hạ du các hồ để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường của các địa phương trên các lưu vực sông lớn, quan trọng của nước ta.

Sau khi đưa vào vận hành, các hồ đã điều tiết nguồn nước đảm bảo cho việc cấp nước, vì vậy, đã góp phần giảm bớt tình trạng thiếu nước ở hạ du trong mùa cạn. Cụ thể, mặc dù, do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, dòng chảy đến các hồ ở mức thấp lịch sử, tuy vậy, về cơ bản các hồ trong 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông đã vận hành theo Quy trình. Nhiều hồ thường xuyên thiếu nước phát điện nhưng trong mùa cạn vừa qua, thực tế các hồ đã vận hành, điều tiết, bổ sung một lượng nước tương đối lớn cho hạ du: Tổng lượng nước mà các hồ chứa xả xuống hạ du 11 lưu vực sông trong mùa cạn là  65,3 tỷ m3, riêng khu vực miền Trung và Tây Nguyên các hồ đã xả xuống hạ du khoảng 17,4 tỷ m3, góp phần cấp nước cho các ngành sử dụng nước, giảm thiểu đáng kể tác động của El Nino.

Tuy vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có hệ thống giám sát hồ tự động, trực tuyến nên việc vận hành xả nước của các hồ chứa gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ Quy trình; thông tin, dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành thiếu, không đồng bộ, đặc biệt là thiếu các trạm giám sát lưu lượng xả của các hồ chứa.

Bên cạnh đó, thực tế các hồ chứa trong Quy trình vận hành liên hồ chứa chỉ giải quyết được vấn đề thiếu nước, hạn hán ở hạ du các hồ chứa, tức là trong một phạm vi nhất định của mỗi lưu vực. Tình trạng hạn hán ở trên các lưu vực sông xảy ra chủ yếu ở các nhánh phụ lưu không phụ thuộc sự ảnh hưởng, điều tiết của các hồ. Chính vì thế, việc xả nước theo quy trình không thể giải quyết hạn cho toàn bộ lưu vực.

Cần sự phối hợp, thống nhất cao

Theo ông Hoàng Văn Bẩy, trong các quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông đã quy định cụ thể: Chế độ vận hành, cơ chế phối hợp giữa các hồ, giữa các địa phương và trách nhiệm của địa phương, của các Bộ, ngành trong việc chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình của các chủ hồ, các cơ quan có liên quan.

Mặc dù, rất nhiều địa phương và các chủ hồ đã thực hiện rất tốt việc điều tiết, vận hành các hồ chứa. Tuy vậy, có thể thấy sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, một số địa phương chưa được nhuần nhuyễn hoặc chỉ xử lý theo phạm vi từng địa phương mà chưa xem xét tính tổng thể cho cả lưu vực. Chính vì vậy, việc vận hành hồ, xả nước cho hạ du chống hạn vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Theo quy định, khi xảy ra hạn hán thiếu nước, chủ hồ phải xây dựng phương án điều tiết nước, báo cáo với địa phương và Bộ TN&MT để thống nhất phương án điều tiết nước phù hợp. Song trên thực tế ở một số địa phương, chủ hồ vẫn vận hành hồ theo theo yêu cầu của địa phương. Đó là chưa kể, việc xả nước cứu hạn cho hạ du nhiều khi chủ hồ chỉ xin ý kiến qua điện thoại mà không gửi văn bản đã dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý khi tiến hành xử lý vi phạm.

Để khắc phục những bất cập này, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, tuân thủ chặt chẽ hơn nữa các quy định liên quan đến trình tự, thẩm quyền, chế độ cung cấp thông tin báo cáo đã được quy định tương đối chặt chẽ trong các Quy trình để đem lại hiệu quả cao nhất trong việc chống hạn cho hạ du.

Tăng cường thanh kiểm tra và giám sát

Sau khi 11 Quy trình được ban hành,  Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với các lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Sê San và một số lưu vực sông khác, đồng thời có văn bản gửi các địa phương thống nhất phương án vận hành hồ để điều tiết nguồn nước cũng như các văn bản đôn đốc, chỉ đạo điều hành để đảm bảo đủ nguồn nước cấp cho hạ du các hồ chứa trên các lưu vực sông trong suốt thời gian của mùa cạn.

Riêng trong năm 2016, Cục đã phối hợp với Thanh tra Bộ kiểm tra quy trình vận hành hồ chứa tại miền Trung – Tây Nguyên. Kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa đối với công trình thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, Sê San, SrePok, sông Ba và một số lưu vực sông khác. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông Cả, sông Mã, sông Hồng, sông Đồng Nai, sông Trà Khúc, sông Kôn – Hà Thanh và sông Hương. Kết quả cho thấy, về cơ bản các hồ chứa đã vận hành tuân thủ tương đối chặt chẽ các quy định về lưu lượng, thời gian xả nước. Tuy vậy, do ảnh hưởng của hạn hán năm 2015 nên một số hồ đã phải giảm lưu lượng xả xuống hạ du để đảm bảo cân đối, có nước cấp cho hạ du các hồ chứa trong cả mùa cạn, dẫn đến một số hồ chứa chưa đảm bảo được yêu cầu về lưu lượng và thời gian xả như quy định của Quy trình.

Để khắc phục những bất cập trên, ngoài việc thành lập các đoàn thanh tra trực tiếp, để giám sát việc thực hiện Quy trình, hàng ngày, Cục yêu cầu các đơn vị vận hành hồ cung cấp toàn bộ thông tin, số liệu vận hành hồ cập nhật lên chuyên trang: quanly/dwrm.gov.vn/hochua. Qua đó, Cục có thể nắm bắt tình hình xả nước của từng hồ để quản lý và có giải pháp chỉ đạo kịp thời. Nhờ có chuyên trang này, số liệu tại 67 hồ chứa trên 11 lưu vực sông đã được đồng bộ giúp cho công tác quản lý, giám sát được thuận lợi và hiệu quả hơn. Hiện tại, trang web này đang được thí điểm tại Cục Quản lý tài nguyên nước, tới đây, sẽ hoàn thiện và chuyển giao về cho địa phương.

Để tăng cường việc giám sát, Cục sẽ tiến hành nâng cấp trang web hiện đại hơn đáp ứng nhu cầu thực tế, giám sát được việc xả nước của từng hồ ở các thời điểm khác nhau. Đồng thời, Cục đang xây dựng Thông tư quan trắc giám sát tài nguyên nước, trong đó, yêu cầu lắp đặt thiết bị về giám sát khai thác sử dụng nước mặt, nước dưới đất, xả nước thải đặc biệt là giám sát hồ chứa. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp công tác giám sát hồ chứa dễ dàng và thuận lợi hơn.

Rõ ràng, chủ trương xây dựng các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông đã góp phần quan trọng vào việc giảm bớt hạn hán cho hạ du. Tuy vậy, Quy trình vận hành không phải là cái ô lớn để có thể chống được hết hạn. Vì thế, các vùng hạn không thuộc khả năng điều tiết của các hồ chứa, Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, tìm kiếm nguồn nước cấp cho bà con. Có như thế, cùng với việc vận hành của các hồ chứa chúng ta mới giải được những cơn khát ở những vùng đất khô cằn trong mùa cạn.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương rà soát, đánh giá lại các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế nguồn nước, khai thác, sử dụng cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt.

Nguồn: Thúy Hằng – Xuân Phương – CTTĐT

Tin khác đã đăng