Sơn La: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản



​​Trong Báo cáo “Hiện trạng và giải pháp bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh Sơn La” do Sở TN&MT Sơn La vừa công bố, ngoài các giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển và quản lý tài nguyên khoáng sản, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động khoáng sản với môi trường đất, nước, không khí cho các khu vực khai thác và chế biến khoáng sản.

Ảnh minh họa
Tại các khu vực phát sinh hàm lượng bụi cao như khu vực máy khoan đang hoạt động, khu vực nghiền, đập sàng đá xây dựng… cần phun nước thường xuyên để giảm sự phát sinh bụi; sử dụng phương pháp khoan ướt hoặc dập bụi bằng phun nước tại nơi khoan trong quá trình khoan; sử dụng các biện pháp lọc bụi như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi vải hay giàn phun ẩm… Hàng năm, phải tăng cường nâng cấp đường, duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Các xe vận chuyển phải che phủ bạt kín, cần quy định chế độ xử phạt với các lái xe không tuân thủ quy định chung về bảo vệ môi trường…Theo đó, với môi trường không khí khu vực khai thác mỏ, các doanh nghiệp khai thác cần chú ý kiểm tra, giám sát chất lượng không khí; kiểm soát để hạn chế phát thải khí và bụi bằng cách: Trong thời gian nổ mìn, các công nhân phải rời vị trí làm việc và đến nơi trú ẩn an toàn sau 30 phút mới trở lại làm việc, sử dụng loại thuốc nổ ít tạo khí độc hoặc loại có cân bằng oxi bằng không; hạn chế việc nổ mìn, quy định lịch nổ mìn công khai…

Với môi trường nước, để tránh tác động tiêu cực do nước thải đến môi trường nước trong khu vực, các đơn vị hoạt động khoáng sản cần chú trọng xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt đúng quy phạm kỹ thuật, nhằm đảm bảo nước thải ra môi trường phải có các thông số môi trường nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

Thực tế hiện nay, tại các mỏ khai thác quặng kim loại như đồng, nikel, phân bổ chủ yếu tại các huyện Phù  Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, lượng nước thải tại các xưởng tuyển rất lớn, có thể lên đến hàng trăm m3 trong ngày, và được sử dụng tuần hoàn đến 80-90%. Trong nước thải và chất chải rắn có chứa nhiều nguyên tố kim loại nặng độc hại và các hóa chất độc hại do sử dụng điện tuyển có hàm lượng cao. Do đó, cần chú ý xây bể chứa nước thải có tường chắn kiên cố, có vật liệu chống thấm qua bờ tường, đáy bể phải láng xi măng, xây đủ 3 ngăn với dung lượng ngăn trước phải gấp 2 lần ngăn sau.

Bể chứa nước thải phải xây dựng tại vị trí cố định, không bị ảnh hưởng của các yếu tố động lực như nổ mìn, độ rung động của các loại động cơ… Quy trình xây dựng bể chứa phải tuân thủ các quy phạm kỹ thuật đã được ban hành, đảm bảo lượng nước thải trước khi xả thải đạt quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

Với môi trường đất, giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hiện tượng xói mòn, bồi lấp, thoái hóa đất là xây dựng hệ thống đê dọc theo khai trường, chân bãi thải và đào mương thoát nước, chống xói mòn trên bề mặt các khai trường; trồng cây, tái tạo thảm thực vật trên các khai trường và bãi thải. Loại cây trồng phù hợp là keo, bạch đàn và dương liễu.

Bên cạnh đó, để chống xói mòn đất tại các bãi thải, trước mắt nên phủ bề mặt bãi thải bằng cây keo, sườn bãi thải nên hình thành các bậc thang có độ dốc khoảng 30o và khoảng cách giữa các bậc thang là 30m hoặc xếp kè chống sạt lở ở dưới bãi thải và đê bao quanh bãi thải.

Khi bố trí bãi thải ở khe núi hay thung lũng, cần xây dựng trước những công trình thoát nước mưa và nước lũ. Nhà cửa, công trình trong phạm vi bãi thải và những vị trí đất đá có thể lăn phải có rào chắn hoặc biển báo không được để người, súc vật và phương tiện qua lại. Bãi thải phải dọn sạch, gạt phẳng, ban đêm phải có hệ thống chiếu sáng tốt.

Trường hợp các mỏ khai thác khoáng sản làm VLXD, cần xây dựng các bãi thải có tường chắn để chất thải không tràn ra ngoài hoặc bị rửa trôi theo nước mưa. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tận thu triệt để các khối tảng để làm đá hộc và nghiền đá dăm, tránh lãng phí tài nguyên. Phần còn lại là sét, cát, đá dăm sử dụng làm vật liệu san lấp, nhằm tăng thêm thu nhập và giảm tải cho các bãi chứa chất thải rắn.

Với các mỏ khai thác quặng kim loại như đồng, nikel, sắt… phải xây dựng các bãi chứa chất thải kiên cố, dung lượng đủ lớn để chứa chất thải rắn, không để phân tán ra môi trường. Đồng thời, phải thu hồi triệt để lượng chất thải của công đoạn tuyển trọng lực tại các boong ke để sử dụng làm vật liệu san lấp; thu hồi lượng bùn – sét tại các hố lắng làm chất phụ gia xi măng hoặc làm chất độn cho các nhà máy sản xuất gạch không nung.

Ngoài ra, để nâng cao sản lượng khai thác và tận thu nguồn tài nguyên, nhằm sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả, cần duy trì việc kết hợp giữa khai thác cơ giới và khai thác thủ công. Trong đó, khai thác cơ giới được tiến hành ở các khai trường lớn còn khai thác thủ công sẽ được tiến hành ở các vỉa quặng nhỏ, phân tán; hoặc ở rìa đáy các khai trường khai thác bằng cơ giới.

Việc khai thác bằng cơ giới và khai thác thủ công cần được kết hợp sao cho tiến độ khai thác hài hòa, có thể hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, việc khai thác bằng thủ công không nên kéo dài sau khi khai thác bằng cơ giới kết thúc, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hoàn thổ, tái phủ xanh môi trường.

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng