Sơn La: Hiệu quả từ mô hình quản lý tưới tiết kiệm nước



Là vùng khan hiếm nước, trước đây, đời sống của người dân xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi có mô hình quản lý tưới tiết kiệm nước, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm mạnh. Đặc biệt, người dân ngày càng có ý thức trong việc sử dụng nguồn tài nguyên nước theo hướng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả.

Công trình thủy lợi hồ Lái Bay, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu.

Những ngày đầu xuân, chúng tôi tới thăm xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ông Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi chia sẻ: Trước đây, đời sống người dân khó khăn lắm, thiếu nước, nên bà con không thể phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 46%. Thế nhưng, từ ngày công trình thủy lợi được xây dựng và đi vào hoạt động, có nguồn nước tưới tiêu đầy đủ, người dân có cơ hội mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, đa dạng các hình thức kinh doanh. Tới hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 9%.

Được biết, công trình thủy lợi hồ Lái Bay thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu có dung tích 1,328 triệu m3, được đầu tư xây dựng năm 2009, bàn giao đưa vào khai thác năm 2013, với nhiệm vụ tưới cho 40 ha ruộng lúa 2 vụ và tưới ẩm cho 300 ha chè và cà phê, của hơn 600 hộ dùng nước. Đồng thời, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 7.000 nhân khẩu trong vùng hưởng lợi.

Đây là công trình thủy lợi có hệ thống dẫn nước khá phức tạp với tuyến ống chính bằng ống gang phi 300 dài 8.250m, tuyến ống nhánh bằng ống HDPE từ phi 90 – phi 200 dài 12.726,9 m. Do đó, việc dẫn nước và đảm bảo cấp nước cho tất cả các hộ sử dụng nước từ đầu nguồn tới cuối nguồn là rất khó khăn.

Thời gian đầu, công trình chỉ phục vụ được cho 40 ha lúa nước 2 vụ phía đầu nguồn, phần diện tích tưới ẩm và cấp nước sinh hoạt phía cuối nguồn, công tác quản lý, điều tiết nước gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là lượng nước đến từng hộ gia đình không được kiểm soát chặt chẽ, người dân tùy tiện sử dụng gây thất thoát nước rất lớn, thiếu công bằng trong việc sử dụng giữa đầu nguồn và cuối nguồn cũng như lượng nước dùng giữa các hộ gia đình, vì không có thiết bị đo đếm.

Đơn vị quản lý không thu được tiền nước của các hộ sử dụng, nên công trình không có kinh phí để duy tu, sửa chữa thường xuyên, dẫn đến hệ thống ống dẫn nước bị hư hỏng gây thất thoát nước rất lớn. Tổ thủy nông cơ sở hầu như không hoạt động, công trình bị xuống cấp không phát huy được năng lực.

Để khắc phục tồn tại trên, tháng 10/2015, Chi cục Thủy lợi Sơn La đã thực hiện  thí điểm mô hình quản lý tưới tiết kiệm nước hồ Lái Bay. Sau khi nhận được sự đồng tình ủng hộ của 100% số hộ dùng nước, đã đầu tư lắp các đồng hồ đo nước và đường ống dẫn từ các điểm chia nước trên tuyến ống chính cùng với các thiết bị phụ trợ cho 332 hộ với diện tích tưới ẩm khoảng 240ha và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.750 nhân khẩu của 4 bản hưởng lợi: Kiến Xương, Đông Quan, Mường Chiên 1, Co Lay thuộc xã Phỏng Lái.

Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 921 triệu đồng, trong đó, nhà nước đầu tư đồng hồ đo nước và các phụ kiện kèm theo; nhân dân đóng góp tuyến ống từ sau đồng hồ đến nơi sử dụng.

Tháng 8/2016, công trình chính thức hoàn thành; tổ thủy nông cơ sở được thành lập với 6 thành viên, làm nhiệm vụ quản lý vận hành điều tiết nước và thực hiện hợp đồng thu tiền nước của các hộ dùng nước.

Nhiều hộ gia đình đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động, góp phần tiết kiệm chi phí và tiết kiệm nước.

Là một trong các bản được hưởng lợi trực tiếp từ công trình, Trưởng bản Đông Quan Đặng Đức Thịnh cho biết: Trước đây, người dân trong bản không có nước sạch để dùng, phải tích trữ nước mưa, mùa khô thì thiếu nước, phải mua nước téc với giá cả đắt đỏ. Từ ngày chủ động được nguồn nước tưới tiêu, chất lượng và sản lượng chè, cà phê cao hơn trước, đời sống người dân có nhiều đổi thay, ngày càng no ấm. Hiện nay, chúng tôi nộp tiền sử dụng nước ở 2 mức giá là 3.500 đồng/nhân khẩu với 3m3 nước sinh hoạt. Còn lại thu theo 840 đồng/m3 với nước tưới tiêu, được người dân đồng tình ủng hộ cao.

Trao đổi với PV, ông Vũ Ngọc Tường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La thông tin: Đây là công trình thủy lợi cấp nước tưới ẩm đầu tiên được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, quản lý được lượng nước tưới bằng đồng hồ đo nước đến từng hộ gia đình. Thu được 100% tiền nước từ các hộ gia đình sử dụng nước của công trình.

Nhờ áp dụng mô hình này, hiện lượng nước tiết kiệm được khoảng 30% so với khi chưa lắp đồng hồ.

Đặc biệt, nước tiêu thụ cấp cho sản xuất, sinh hoạt hiện nay đã được tiết kiệm triệt để, không còn tình trạng thất thoát, lãng phí như trước. Sau 8 tháng lắp đồng hồ, mô hình đưa vào quản lý sử dụng cho 332 hộ gia đình, lượng nước tiết kiệm được khoảng 30% so với khi chưa lắp đồng hồ, giúp điều tiết nước cho các tháng mùa khô, đồng thời đủ nước để có thể cấp mở rộng thêm cho các hộ dân có nhu cầu thuộc các xã Phỏng Lái và Chiềng Pha.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong sử dụng nguồn tài nguyên nước theo hướng tiết kiệm, hợp lý có sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Người dân hiểu rõ nước cũng là một loại hàng hóa và sử dụng nước phải trả tiền, do đó phải tiết kiệm, phải có trách nhiệm bảo vệ và sử dụng hợp lý, không để thất thoát lãng phí. Đồng thời, từ nguồn kinh phí đó, công trình có thể chủ động duy tu sửa chữa, kịp thời khắc phục ngay những hư hỏng.

Có thể thấy, bước đầu, mô hình quản lý tưới tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, góp phần quan trọng trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, dẫn đến tăng khả năng phục vụ của công trình hồ chứa nước, góp phần phát triển sản xuất, dân sinh kinh tế của khu vực. Quan trọng hơn, mô hình được chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ cao, bảo đảm tính bền vững, rất cần được xem xét nhân rộng thêm tại các địa bàn khác, nhất là những vùng khan hiếm nước của tỉnh Sơn La.

Nguồn: Nguyễn Nga – TN&MT

Tin khác đã đăng