Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường



Tỉnh ủy Bình Định vừa thông qua Nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Nghị quyết có quan điểm, bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của toàn xã hội, vận hành theo cơ chế cấp ủy Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý; cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi người dân là chủ thể. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và từng địa phương; khắc phục tình trạng phát triển kinh tế nhưng coi nhẹ bảo vệ môi trường.

Nghị quyết cũng xác định đầu tư cho môi trường là đầu tư phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường với phương châm lấy phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường là chính; kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với huy động nguồn lực xã hội và kết hợp giữa công nghệ hiện đại và các phương pháp truyền thống.

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu cụ thể nhằm ngăn ngừa và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm trên địa bàn như: Khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường ở đô thị, nông thôn, nhất là các khu chăn nuôi tập trung, làng nghề, khu- cụm công nghiệp, các điểm mỏ khai thác đất, khoáng sản, khu vực đầu nguồn và hạ lưu các dòng sông, khu vực ven biển. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành một tỉnh có môi trường sinh thái tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Mỗi người dân đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.

Theo Nghị quyết này, giải pháp chính để hoàn thành mục tiêu về bảo vệ môi trường chính là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường; phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường; đề cao công tác quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng, tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại khu vực đô thị, nông thôn, khu –cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường các dòng sông, nơi phát triển du lịch, khai thác khoáng sản và bảo tồn đa dạng sinh học,ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường.

Nguồn: Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng