Thanh Hóa: Xử lý tốt nhiều điểm ô nhiễm môi trường



Nhận thức được vấn đề phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Sở TN&MT Thanh Hóa luôn xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong năm qua, thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng.

Thanh Hóa có 45 điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tồn lưu hóa chất thuốc bảo vệ thực vật. Những điểm này nằm ở trường học, nhà văn hóa thôn, nhà ở các hộ dân… Từ năm 2014 đến nay, được sự quan tâm của Bộ Tài nguyên & Môi trường hỗ trợ kinh phí để xử lý được 5 điểm tồn lưu hóa chất thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2017, xử lý thêm được 7 điểm tồn lưu hóa chất thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh thuộc các huyện Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa và Nga Sơn.
Điểm tồn lưu hóa chất BVTV ở Trường THCS Vĩnh Tiến thuộc huyện Vĩnh Lộc
Các dự án sau khi hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường. Sở TN&MT đã bàn giao mặt bằng sạch cho địa phương và các hộ gia đình quản lý, sản xuất góp phần phát triển kinh tế xã hội. Dự kiến trong năm 2018, Sở TN&MT sẽ tiếp tục xử lý thêm 5 điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sức khỏe, cuộc sống cho người dân.
Thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2021. Đến nay UBND tỉnh đã chấp thuận cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại 4/5 khu tập trung theo quy hoạch trên địa bàn thuộc các huyện Đông Sơn, Tĩnh Gia, Cẩm Thủy và thị xã Bỉm Sơn. Trên địa bàn tỉnh có 12 lò đốt rác sinh hoạt có công suất từ 15 tấn/ngày đến 75 tấn/ngày đang hoạt động tại các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Như Thanh, Nông Cống, Thọ Xuân, Thạch Thành, Hậu Lộc. Đến nay, việc thu gom xử lý chất thải rắn khu vực đô thị đạt 90%, khu vực nông thôn đạt 70% góp phần trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Khu xử lý nước thải thuộc bãi rác TP Sầm Sơn
Năm 2017 có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới góp phần bảo vệ môi trường. Tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới, hầu hết đã thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt. Rác thải sinh hoạt sau khi thu gom được đưa về các bãi rác đã quy hoạch của xã, huyện để tập kết rồi xử lý.
Đối với các xã thuộc huyện miền núi có địa bàn rộng, nên đã áp dụng mô hình tận dụng rác thải hữu cơ làm phân bón, rác thải vô cơ được xử lý bằng phương pháp đốt và chôn lấp tại hộ gia đình nhằm giảm thiểu lượng rác thải tập trung tại các bãi tập kết rác sinh hoạt của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại, đó là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT ở các cấp cơ sở chưa thường xuyên, liên tục, còn mang tính tạm thời, nhận thức và trách nhiệm của một số cơ sở, doanh nghiệp về BVMT chưa cao. Còn coi trọng lợi ích trước mắt về kinh tế mà xem nhẹ công tác BVMT. Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các khu du lịch chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn chưa được giải quyết triệt để.
Khu công nghiệp Lễ Môn
Theo ông Lưu Trọng Quang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Trong thời gian tới, Sở sẽ có một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về BVMT và phát triển bền vững. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phát hiện sớm và kịp thời xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, kinh doanh không tuân thủ pháp luật BVMT; Kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng BVMT và buộc các đơn vị vi phạm phải thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường theo quy định.

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng