Thực hiện Chỉ thị 25/TTg về môi trường: Kết quả bước đầu tại Thủ đô



Sau hơn 4 tháng thực hiện Chỉ thị 25/TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, hoạt động quản lý môi trường tại Hà Nội được thúc đẩy, hướng tới giảm thiểu tối đa nguồn gây ô nhiễm, tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường.


Các chương trình, nhiệm vụ thuộc nội dung Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đang được triển khai nhằm nâng cao chất lượng môi trường
* Khắc phục và kiểm soát ô nhiễm

Để hạn chế ô nhiễm mới, Hà Nội quyết liệt với việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đến nay cả 3 cơ sở trong danh mục phải di dời đã thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.

Thực hiện chủ trương trên, từ đầu năm 2015, UBND Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. UBND thành phố đã tiến hành quan trắc, phân tích đánh giá ô nhiễm môi trường tại các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn 12 quận nội thành; Thực hiện công tác rà soát, đối chiếu danh mục 12 quận báo cáo để xác định các cơ sở không phù hợp quy hoạch và dự kiến quy hoạch sử dụng đất sau khi di dời; Nghiên cứu đề xuất cơ chế mang tính nguyên tắc chung áp dụng đối với từng loại đổi tượng để hỗ trợ, khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.

Hà Nội cũng đã hoàn thành dự án ‘‘Cải thiện và phục hồi môi trường tại điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật khu Lò Gạch, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường.

Về lâu dài, để kiểm soát ô các nguồn phát thải, kịp thời có giải pháp xử lý, trong quý IV năm 2016, UBND thành phố đã xây dựng và vận hành trung tâm điều hành và quản lý dữ liệu môi trường. Theo đó, số liệu từ các trạm quan trắc không khí và nước tự động truyền số liệu quan trắc trực tiếp về Sở TN&MT nhằm kiểm soát, giám sát các hoạt động xả thải theo qui định của pháp luật.

Đồng thời, Hà Nội đã tiến hành lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí tự động và 5 trạm quan trắc nước thải tự động nhằm tiến hành đánh giá hiện trạng và giám sát chất lượng môi trường không khí và môi trường nước cho thành phố Hà Nội.

* Triển khai nhiều dự án môi trường

Để giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường, Hà Nội đang triển khai hàng loạt đề án, kế hoạch về bảo vệ môi trường. Đó là triển khai các chương trình, nhiệm vụ thuộc nội dung Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy, trong đó tập trung vào công tác thanh tra kiểm tra các cơ sở trên lưu vực sông; điều tra nguồn thải vào lưu vực sông; đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt.

Để đánh giá một cách toàn diện về tình hình xả thải công nghiệp, Hà Nội đang thực hiện Kế hoạch quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp. Khi hoàn thành, thành phố sẽ có số liệu điều tra về nguồn thải công nghiệp cho 300 cơ sở công nghiệp trong 08 Khu công nghiệp, 500 cơ sở tại các cụm công nghiệp, điều tra 700 cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp; kiểm kê chuyên sâu đối với 160 cơ sở.  Đồng thời tổ chức khóa tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, phổ biến kế hoạch điều tra các cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài Khu, cụm công nghiệp.

Đối với khu vực làng nghề, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường cho 8 làng nghề ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng và chuẩn bị đâu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Công suất 1000m3/ngày/đêm.

Điểm nhấn về khoa học công nghệ trong năm 2016 là thành phố tiến hành xử lý ô nhiễm 80 hồ trên địa bàn thành phố bằng chế phẩm Redoxy – 3c của Cộng hòa Đức, bước đầu đã phát huy hiệu quả.

* Khó khăn từ nhận thức và nguồn lực

Là một thành phố đông dân, tốc độ đô thị hóa nhanh, Hà Nội gặp những áp lực về môi trường lớn hơn các địa phương khác trên cả nước. Chính vì thế, để đạt những mục tiêu về quản lý môi trường, Hà Nội cần giải quyết nhiều thách thức, trong đó có 2 khó khăn lớn là về nhận thức và thu hút nguồn lực.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, cần khắc phục tình trạng sự quan tâm, chỉ đạo của một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan còn chưa đúng mức, chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ cấp Thành phố đến quận, huyện, phường, xã trong thực hiện một số nhiệm vụ về môi trường và bảo vệ tài nguyên.

Hiện nhiều cụm công nghiệp đã cơ bản được lấp đầy, các doanh nghiệp khi đầu tư-đều được phê duyệt hạng mục các công trình xử lý môi trường nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng, chưa thực hiện nghiêm túc các nội dung yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chính vì thế việc tuyên truyền bảo vệ môi trường phải đến với từng doanh nghiệp, để họ không ỷ lại việc xử lý môi trường cho Ban quản lý cụm công nghiệp, phải xem việc bảo vệ môi trường mang lại lợi ích lâu dài cho chính doanh nghiệp của mình.

Một vấn nạn cần giải quyết hiện này là tình trạng đổ rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Nghị định 155/NĐ-CP đã quy định mức phạt  nặng cho các vi phạm này. Song để các quy định này khả thi, cần giáo dục, tuyên truyền nhiều hơn nữa về hành vi văn hóa, văn minh và lối sống thượng tôn pháp luật. Đồng thời, việc giám sát phải triệt để và có phương án đầu tư các công trình nhà vệ sinh công cộng, thùng đựng rác đồng bộ.

Bảo vệ môi trường ngốn khá nhiều nguồn lực tài chính, công nghệ. Chính vì thế, việc đa dạng hóa, mở ra các hình thức thu hút đầu tư trong lĩnh vực môi trường là rất cần thiết.

Dù Quốc hội đã quyết định chi 1% ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường song việc sử dụng kinh phí này nhiều nơi chưa đúng mục đích. Hà Nội đang nỗ lực để thu hút và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia, tăng viện trợ ODA từ nước ngoài, mở rộng các dịch vụ môi trường.

Nguồn: Bảo Châu – CTTĐT

Tin khác đã đăng