TPHCM có 300 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3



Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở - ngành và 24 quận - huyện báo cáo tình hình triển khai và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại TPHCM.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, đến nay TPHCM có 300 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 triển khai cho 24 quận – huyện, tập trung các nhóm lao động, kinh tế, đất đai, xây dựng và hộ tịch. Cụ thể, nhóm lao động tỷ lệ nộp hồ sơ xử lý thông qua dịch vụ công trực tuyến chiếm 1% (188 hồ sơ trực tuyến/21.031 tổng hồ sơ). Nhóm kinh tế tỷ lệ nộp hồ sơ xử lý thông qua dịch vụ công trực tuyến chiếm 2% (555/35.662 hồ sơ), nhóm đất đai, xây dựng tỷ lệ 1% (359/38.004 hồ sơ), nhóm hộ tịch tỷ lệ 2% (186/7.685 hồ sơ) và nhóm vệ sinh an toàn thực phẩm tỷ 1% (5/486 hồ sơ).

 Toàn cảnh cuộc họp.

Trong 10 Sở của TPHCM đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì Sở Giáo dục và Đào tạo có tỷ lệ nộp hồ sơ xử lý thông qua dịch vụ công trực tuyến chiếm tỷ lệ cao nhất là 73%, Sở Công Thương 68%; Sở Giao thông vận tải chiếm 59%; Sở Kế hoạch và Đầu tư chiếm 38%, Sở Thông tin và Truyền thông chiếm 31%…

Tuy nhiên, cũng có những sở – ngành tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến chỉ chiếm 1% thậm chí 0% trên tổng số hồ sơ nộp như: Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Y tế; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Quy hoạch – Kiến trúc. Ý kiến của một số quận – huyện, sở – ngành cho biết nguyên nhân khiến tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thấp là do thiếu kinh phí, người dân chưa quen, thay đổi bộ máy, vướng quy định của các bộ – ngành liên quan… Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, tổng đầu tư 7 phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý của ngành và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân lên đến khoảng 20 tỷ đồng.

Cũng tại cuộc họp, Sở Thông tin và Truyền thông nêu kiến nghị trong thời gian sắp tới các sở – ban – ngành, quận – huyện phải áp dụng đồng bộ và phải minh bạch thông tin với người dân như nhắn tin, email, công khai thông tin trên trang thông tin điện tử, chủ động trong việc cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp…

 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo các quận – huyện tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp làm quen với dịch vụ công trực tuyến (từ nay đến cuối năm 2017 phải tổ chức ít nhất 2 cuộc tập huấn). Song song đó, Sở Nội vụ sẽ dự thảo trình UBND TP đề nghị HĐND TP xem xét giảm, thậm chí miễn lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.

Để triển khai và sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả tại TPHCM, sắp tới Thành phố sẽ cử đội ngũ giỏi về công nghệ thông tin hướng dẫn cho các sở – ngành, quận – huyện để triển khai đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả nhất.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng dù khó khăn nhưng các sở – ngành, quận – huyện cũng phải đẩy nhanh việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến và xem đây như một giải pháp căn bản xây dựng chính quyền phục vụ dân, giảm thiểu những thủ tục gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để tiến tới việc không còn giao tiếp trực tiếp giữa cán bộ với người dân, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông trong tháng 4-2017 cung cấp chữ ký số cho các sở – ngành để bắt buộc các sở – ngành liên thông nội bộ, chấm dứt sử dụng văn bản giấy. Đồng thời, cũng trong tháng 4 tới, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng với các quận – huyện phải cam kết công khai minh bạch trực tuyến trên mạng tất cả những chỉ tiêu quy hoạch 1/2000, kể cả chỉ tiêu về dân số để người dân và doanh nghiệp khi làm dự án và các hoạt động xây dựng có cơ sở truy cập thực hiện chứ không phải xin ở cơ quan công quyền nào nữa (trừ trường hợp vượt quá chỉ tiêu quy hoạch, dự án đặc thù).

 

Nguồn: HCM CityWeb

Tin khác đã đăng