Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo



Chương trình hành động của Bộ TN&MT giai đoạn 2016 – 2020 đối với lĩnh vực biển và hải đảo tập trung vào triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biến và hải đảo.

Đáp ứng một bước hạ tầng thông tin kỹ thuật cơ bản về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, góp phần cung cấp thông tin kịp thời, đủ độ tin cậy về dự báo thiên tai, BĐKH phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển và trên các đảo. Giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường vùng bờ và trên các đảo. Nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH, duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển, hải đảo nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển và các nguồn lợi từ biển. Tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, BVMT biển và hải đảo. Cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Các nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn này tập trung vào tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, hải đảo hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản có liên quan. Triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 11/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; “Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định sổ 2295/QĐ- TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị sổ 25/CT- TTg về tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 01/10/2015. Xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Công tác điều tra cơ bản: Tổ chức điều tra chi tiết về TN&MT khu vực biển ven bờ; tiến hành các hoạt động điều tra tổng hợp về TN&MT vùng biển sâu và vùng biển quốc tế liền kề nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển, đặc biệt là tiềm năng các nguồn tài nguyên mới như: băng cháy, kết hạch sắt – mangan,…; hoàn thiện việc đo vẽ lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1/50.000 vùng biển Việt Nam, tiến tới thực hiện việc đo vẽ lập bản đồ địa hình đáy biển và phần nối tỷ lệ lớn cho các đảo, cụm đảo, các khu vực nhạy cảm. Điều tra, đánh giá diễn biến của các hiện tượng el-nino, la-nina, làm rõ khả năng xảy ra các tai biến tự nhiên, động đất, đặc điểm nền móng đáy biển phục vụ cho quy hoạch phát triển kinh tế biển, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển, hải đảo, phát triển, xây dựng hệ thống công trình biển và công trình phục vụ an ninh, quốc phòng theo hướng kết nối với đất liền và mở ra biển, liên kết vùng, miền, các lợi thế với nhau; mở hướng phát triển mạnh ra khu vực, đại dương và toàn cầu.

Công tác quan trắc biển và hải đảo: Từng bước xây dựng, bổ sung các trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên môi truờng biển, trạm radar biển, trạm phao biển, đầu tư mua sắm các thiết bị quan trắc trên biển để đảm bảo cung cấp đủ số liệu, thông tin về các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường vùng biển và hải đảo, phục vụ các ngành kinh tế biển và công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, sự cố môi trường biển. Trong đó, sớm đưa vào khai thác, sử dụng các trạm quan trắc tại 04 tỉnh miền Trung, nơi xảy ra sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường đầu năm 2016 và tại các khu vực biển có nguồn gây ô nhiễm biển từ hoạt động của con người trên đất liền.

Quản lý tài nguyên, môi trường biển: Thiết lập cơ chế đồng quản lý, quyền khai thác và hưởng lợi từ mặt nước biển ven bờ, ven các đảo dựa trên các tiếp cận thị trường có sự định hướng và điều tiết của Nhà nước trên nguyên tắc không gian, mặt nước, tài nguyên biển thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.

Kiểm soát các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng bờ, đặc biệt là các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ… dọc theo bờ biển, trên các đảo, cụm đảo; bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các yêu cầu về điều kiện, năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố của tàu, thuyền vận chuyển dầu, hóa chất hoạt động trên biển hoặc đi qua các vùng biển nước ta cũng như các kho chứa xăng dầu, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật vùng ven biển, trên các đảo.

Xây dựng kịch bản diễn biến tác động của BĐKH đến các vùng biển ven bờ, vùng bờ ven biển để có hướng tiếp cận và đưa ra các giải pháp phù hợp thích ứng với BĐKH.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực: Điều tra địa chất, khoáng sản biển sâu; khai thác năng lượng (năng lượng thủy triều, năng lượng sóng, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sản xuất điện từ nước biển); dự báo thiên tai, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; điều tra, khảo sát khoa học trên thềm lục địa và khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, khoa học – công nghệ cao. Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu với các nước trong khu vực Biển Đông.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra: Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc giao khu vực biển, thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo tại các địa phương. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ tại các bộ, ngành, địa phương ven biển.

Nguồn: CTTĐT

Tin khác đã đăng