Từ 1/1/2017, người dân đóng tiền phí nước thải sinh hoạt



Nghị định 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Như vậy, kể từ ngày đầu tiên của năm mới, người dân sẽ đóng tiền phí nước thải sinh hoạt.

Ảnh minh họa 

Nước thải sinh hoạt là nước thải ra từ hộ gia đình; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân (trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các đơn vị vũ trang nhân dân); Trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các tổ chức, cá nhân không gắn liền với địa điểm sản xuất, chế biến; Cơ sở: Rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; Bệnh viện; phòng khám chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác…

Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đối với nước thải sinh hoạt từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng, mức phí được xác định theo từng người sử dụng nước, căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác và giá bán 1mnước sạch trung bình tại xã, phường, thị trấn đó.

Cơ quan thu phí nước thải sinh hoạt gồm 2 tổ chức. Đơn vị cung cấp nước sạch sẽ thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân sử dụng nước sạch. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sẽ thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng.

Một số trường hợp được miễn phí như nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế – xã hội. Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch…

Nguồn: Yên Thi – CTTĐT

Tin khác đã đăng