Tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ rừng mới được hưởng cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh



UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định số 300/QĐ-UBND triển khai thực hiện Cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025.

Nhờ trồng sâm nhiều cánh rừng già nguyên sinh vẫn được gìn giữ hầu như nguyên vẹn

Theo đó, đối tượng áp dụng là các Hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại các địa phương trong phạm vi hỗ trợ, có nhu cầu và khả năng đầu tư trồng Sâm, đảm bảo các quy định về điều kiện được hỗ trợ; Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam; Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My.

Để đủ điều kiện được hỗ trợ, các hộ gia đình phải đăng ký thành nhóm hộ và đảm bảo các thủ tục về nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, nhận rừng và đất rừng theo đúng trình tự quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ rừng đối với từng loại rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Cam kết không thực hiện các hành vi: Dẫn nhập sâm ngoại lai vào khu vực trồng sâm Ngọc Linh; lợi dụng chính sách hỗ trợ mua Sâm giống của Nhà nước để hưởng lợi; bán Sâm chưa đến tuổi khai thác. Tuân thủ đầy đủ các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác sâm Ngọc Linh.

Phạm vi điều chỉnh bao gồm: các khu vực trồng sâm Ngọc Linh theo quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tập trung ở các xã: Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang.

Bảo tồn tự nhiên trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và bảo tồn chủ động từ nguồn gây trồng tại khu vực do Trạm Dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam) và Trại Sâm Tắc Ngo (thuộc Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My) gây trồng.

Trồng sâm Ngọc Linh dưới những tán rừng nguyên sinh tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam)

Những vùng di thực sâm Ngọc Linh tại các huyện Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang sau khi đã được các cơ quan chuyên môn kiểm định, chứng nhận chất lượng Sâm và đảm bảo các điều kiện tự nhiên (khí hậu, thổ nhưỡng…).

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đảm bảo theo quy định.

Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, di thực về các biện pháp kỹ thuật (nhân giống, canh tác, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch) nhằm phát triển bền vững sâm Ngọc Linh và đạt hiệu quả cao trong công tác bảo tồn, phát triển; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sâm Ngọc Linh, xây dựng chuỗi sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.

Tính đến thời điểm này, những cố gắng của chính quyền tỉnh Quảng Nam bước đầu mang lại hiệu quả. Từ khoảng 100 hộ dân trồng trên diện tích 120 ha vào năm 2015, đến nay toàn huyện đã có hơn 1.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 6 doanh nghiệp trồng sâm với diện tích gần 1.500 ha, chỉ tính riêng 2 tập đoàn TH True Milk và Vingroup đã đăng ký đầu tư đến 16.000 tỉ đồng vào cây trồng quý này.

 Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng