“Viên ngọc xanh” của biển



Chiếc ca nô băng băng trên đầu vạn con sóng, biển rộng tít tắp, nước trong xanh một màu ngọc bích. Cù Lao Chàm hiện ra ngút ngát yên bình với những nếp nhà nho nhỏ, xinh xắn nằm viền quanh mép Hòn Lao…

Cù Lao Chàm hấp dẫn du khách bởi hệ sinh thái đa dạng và phong phú

Cù Lao Chàm thuộc xã Tân Hiệp (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam), gồm 8 đảo nhỏ là: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Cù Lao Chàm từng được xem là điểm tiền tiêu, che chắn vùng Cửa Đại – Hội An và là điểm dừng trú của các loại tàu thuyền trên hành trình doanh thương khắp vùng Đông Nam Á. Năm 1999, Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, tương lai sẽ là thiên đường du lịch của phố cổ Hội An. Cù Lao Chàm (còn được biết đến với các tên gọi khác là Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La, Pa-lau-cham) rộng khoảng 15 km2với gần 3.000 dân sống gần như biệt lập với đất liền.

Thiên nhiên đã ưu ái cho Cù Lao Chàm có khí hậu quanh năm mát mẻ, cây cối bốn mùa phủ xanh trên các hòn đảo. Với 1.549 héc-ta rừng tự nhiên và 6.716 héc-ta mặt nước, Cù Lao Chàm mang trong mình một sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Khu bảo tồn Cù Lao Chàm là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá, sinh vật nhuyễn thể, các rạn san hô, các thảm rong, cỏ biển và các loài hải sản có giá trị cao sinh sống. Không chỉ có thế, nơi đây còn có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Đối với cư dân, những chú khỉ đuôi dài tinh nghịch xuống tận bờ đá giáp với mặt nước biển vào mỗi sớm chiều, đã trở thành nếp sinh hoạt thường nhật. Nhiều người kể rằng chúng còn khoái chí ném đá ra biển và hét toáng lên khi thấy tàu thuyền đi ngang.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn chứa trong mình các hệ văn hóa từ xa xưa để lại như: Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt, cùng với các di tích đã chứng minh mối quan hệ giao lưu giữa Cù Lao Chàm với các nước trong khu vực và là điểm neo đậu của các thương thuyền quốc tế trong hành trình con đường tơ lụa trên biển. Các di tích tín ngưỡng hiện còn ở Cù Lao Chàm, được xây dựng chủ yếu vào khoảng thế kỷ 17 – 18 như: Đình Đại Càn, miếu thờ Thành hoàng, miếu Tiền hiền, miếu Thần nông, miếu Tổ nghề yến, lăng Ông Ngư, lăng Cô, giếng Xóm Cấm, chùa Hải Tạng… là những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.

Mỗi người dân Cù Lao Chàm bất kể già trẻ lớn bé đều là đại sứ du lịch với nụ cười đôn hậu. Ai cũng có thể kể vanh vách cho du khách nghe vì sao san hô đã tái sinh, nở hoa ngay dưới chân cầu cảng và nhiều rạn đá quanh đảo, thu hút cá tôm từ khơi xa lũ lượt kéo về; vì sao mỗi tấc đất ngoài biển Đông ở xã đảo tiền tiêu này đều là tài nguyên vô giá. Với gần 3.000 dân sống trên đảo có rất nhiều cái “không”: Không bê tông hóa, không ăn xin chặt chém, không tệ nạn “cầm nhầm”, không bao ni lông, không tận diệt thú rừng dù 90% diện tích là rừng cấm quốc gia…

Bằng lối suy nghĩ giản dị, trách nhiệm đến cùng với môi trường của cụm đảo 8 hòn kia, chính quyền và người dân Cù Lao Chàm đã xắn tay cùng tiêu diệt túi nilon. Người Cù Lao Chàm khiến nhân loại tiến bộ phải giật mình công nhận vùng biển này là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”. Cụm đảo nhỏ bé ấy đã đem lại niềm tự hào cho người Việt Nam. Họ làm việc không phải để báo cáo thành tích, để hết trách nhiệm cán bộ, để ra oai. Họ làm vì sự tử tế và danh dự ngư dân bám biển suốt đời của họ. Họ yêu biển!

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng