2016 – 2020: Lộ trình 5 năm giảm ô nhiễm của TP.HCM



Xây dựng và hoàn thiện các Khu xử lý chất thải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tp Hồ Chí Minh. (Nguồn: Báo Thanh niên) Ô nhiễm môi trường là một trong những trở ngại lớn của TP.HCM trên con đường phát triển bền vững. Chương trình giảm ô nhiễm môi trường […]

giam-o-nhiem
Xây dựng và hoàn thiện các Khu xử lý chất thải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tp Hồ Chí Minh. (Nguồn: Báo Thanh niên)

Ô nhiễm môi trường là một trong những trở ngại lớn của TP.HCM trên con đường phát triển bền vững. Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 – 2020 đã được TP xây dựng, làm cơ sở cho các hoạt động kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu cơ bản về ô nhiễm, xây dựng thành phố xanh, đảm bảo quyền sống sạch của người dân.

*Những mục tiêu phía trước

Chương trình đã đặt ra hàng loạt những mục tiêu cụ thể cho nhiều vấn đề cấp bách. Theo đó, về giảm ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải, TP phấn đấu 100% nước thải bệnh viện, nước thải các cơ sở công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường. 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường để kiểm tra, giám sát. 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Giảm 70% ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải. 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Đối với việc giảm ô nhiễm môi trường do chất thải rắn đô thị, chất thải nguy hại, chất thải y tế: TP đặt mục tiêu 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế và tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tái chế, làm phân compost và đốt) 40% và chôn lấp hợp vệ sinh 60% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt. 100% số bãi chôn lấp chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh. Giảm 65% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi ni-lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

TP còn tập trung cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; cải thiện điều kiện sống của nhân dân, bằng cách giảm thiểu 90% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt để 100% hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch. 100% xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường.

Trong chiến lược này, TP.HCM còn đặt mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn  thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng phó biến đổi khí hậu.

*5 nhiệm vụ, giải pháp

Để đạt được các mục tiêu cụ thể nêu trên, TP đặt ra nhiệm vụ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường. Đặc biệt, TP sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình hành động số 34-CTrHĐ/TU ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các Khu xử lý chất thải rắn của thành phố; các công trình cấp, thoát nước; các công trình xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải y tế đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về môi trường

TP cũng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường. Tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chú trọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Nguồn: T.Minh – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng