5 loại hình thoái hóa đất



Theo kết quả điều tra, đánh giá lần đầu tình hình thoái hóa đất trên địa bàn, tỉnh Quảng Ngãi đã xác định được 5 loại hình thoái hoá đất, đó là xói mòn đất do mưa; khô hạn nhưng chưa dẫn đến hoang mạc hoá; kết von, đá ong hóa; mặn hóa và suy giảm độ phì đất.

thoai-hoa-dat
Ảnh minh họa

Tổng diện tích đất bị thoái hóa là 172.769,76 ha, chiếm 37,34% tổng diện tích điều tra. Trong đó, thoái hoá do xói mòn và thoái hoá do khô hạn là 2 loại hình thoái hoá phổ biến.

Qua điều tra xác định diện tích đất bị xói mòn nặng của toàn tỉnh là 5.552 ha; xói mòn trung bình 73.932 ha; xói mòn nhẹ 73.212 ha. Đất không bị xói mòn là 309.966 ha chiếm gần 67% diện tích điều tra. Diện tích đất bị khô hạn ở mức độ nặng của toàn tỉnh là 486,67 ha; diện tích đất bị khô hạn ở mức trung bình 30.290,85 ha; diện tích đất bị khô hạn ở mức nhẹ 204.105,04 ha; diện tích đất không bị khô hạn 227.778,87 ha.

Tổng diện tích đất bị kết von trên địa bàn tỉnh là 9.611,27 ha, chiếm 2,08% diện tích đất điều tra; trong đó diện tích kết von ở mức độ nặng là 1.340,63 ha; kết von ở mức trung bình 4.029,31 ha; kết von ở mức nhẹ 4.241,33 ha. Diện tích đất bị mặn hóa là 3.141 ha. Diện tích đất bị suy giảm độ phì 106.930 ha.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất bị thoái hóa, trong đó phải kể đến tác động của các điều kiện tự nhiên mưa, lũ, biến đổi khí hậu, nguồn gốc hình thành đất, địa hình và các hoạt động của con người như canh tác không theo quy hoạch, diện tích rừng giảm…

Trên cơ sở đó, Quảng Ngãi đưa ra 2 nhóm giải pháp nhằm hạn chế và giảm thiểu thoái hóa đất. Trong đó, ưu tiên giảm thiểu xói mòn trên đất dốc; hạn chế khô hạn, hoang mạc hóa; cải tạo đất bị suy giảm độ phì; hạn chế mặn hóa đất và giải pháp hạn chế kết von, đá ong hóa. Mặt khác, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong sử dụng, bảo vệ tài nguyên đất, hạn chế thoái hoá đất để phát triển bền vững; ban hành cơ chế, chính sách trong sử dụng, bảo vệ, hạn chế thoái hoá đất; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ bảo vệ và phục hồi đất.

Nguồn: Bích Đào – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng