Càng chống càng ngập



Hơn 10 năm trước, tôi đã thực hiện nhiều bài viết về các điểm ngập, các tai nạn bi thương, các dự án chống ngập, các lô-cốt giăng đầy khắp phố để phục vụ thoát nước…

Đến nay, TP HCM vẫn vậy, thậm chí năm sau ngập cao hơn năm trước, bất kể mưa lớn hay nhỏ. Thậm chí, nhiều tuyến đường bất kể trời không nắng không mưa cũng xâm xấp nước thường xuyên.

b2bcd_1

Hình ảnh minh họa

Trận ngập lụt kinh hoàng nhất mà tôi chứng kiến là ở Quốc lộ 13, cửa ngõ từ TP HCM về đến Bình Dương, trận mưa hồi năm ngoái khiến đường lộ hóa thành sông, xe buýt với xe hơi tranh nhau lướt sóng dưới dường, xe gắn máy với người đi bộ tranh nhau từng chút diện tích nhỏ trên vỉa hè, mưa như trút nước. Một anh thanh niên phủ áo mưa lên đầu, ngồi co ro trên yên xe tranh thủ ngủ. Có lẽ, đó là giấc ngủ ấn tượng nhất mà tôi đã thấy ở thành phố này.

Tháng 10/2015, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM thống kê có khoảng 26% dân số tại TP HCM bị ảnh hưởng do tình trạng ngập lụt đô thị và trong tương lai có thể lên đến hơn 62%. Dĩ nhiên, thiệt hại kinh tế là điều không thể tính toán hết được.

Mùa mưa 2016 tại phương Nam, cụ thể là TP HCM đến muộn vài tuần thế nhưng cũng đã kịp gây ngập trên 16 tuyến đường với 11 trận mưa.

Hàng nghìn tỷ đồng chống ngập đã được ném vào các dự án nhưng lụt vẫn hoàn lụt.

Hơn một năm nay, người ta nghĩ ra phương án nâng đường. Và vài tuần trước, ông Giám đốc Sở Giao thông Vận tải phát biểu, “tinh thần là phải hài hòa cao độ và kiểm soát được mức triều”. Có cố gắng lắm tôi cũng không thể hiểu được “tinh thần của hài hòa cao độ”.

Trong khi đó, một người dân khác nói đơn giản thế này: “Lúc tôi xây nhà có xin cốt nền thì được cho là từ mặt đường cũ lên 0,7 m, tôi làm nhà trừ hao 1 m, mà bây giờ đường làm nhà tôi thấp hơn mặt đường 1,3 m, vậy là đường đã lên 2 m”.

Nâng đường từng trở thành “thần dược” cho công tác chống ngập, hàng loạt tuyến đường được đôn lên cao, cao mãi. Cao đến lúc nhà dân hai ven đường thành hốc, từ hốc biến thành hầm, từ hầm biến thành hang. Có rất nhiều căn nhà tầng trệt biến mất hoàn toàn, còn tầng một lại hóa thành tầng trệt. Ngay cả những khu đất đắt đỏ như đường Trần Não, quận 2, họ cũng nâng đường còn nhà dân ra sao mặc kệ.

Đó là lúc “thần dược” trở nên vô hiệu. Dường như đến “bước đường cùng”, Sở Giao thông Vận tải đã xây tường chống ngập cho các hộ dân ở quận Bình Tân trên đường Kinh Dương Vương theo lối, dùng gạch và xi-măng xây chắn trước nhà dân. Chuyện này vô lý đến mức Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong sau chuyến thị sát đã phê bình chủ đầu tư dự án thi công tắc trách, phê bình UBND Quận Bình Tân và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước làm chưa tốt việc công bố quy hoạch, lấy ý kiến dân…

Trong khi nhiều kế chống ngập liên tục được đưa ra, có một thực tế là các nguồn thoát nước lẫn phần diện tích trữ nước tự nhiên của TP HCM đã bị xâm hại nghiêm trọng do sự phát triển về dân số kéo theo cơ sở hạ tầng.

Những vùng đầm lầy biến thành đô thị mới, những con kênh, rạch hóa thân thành đường nhựa, hoặc lấp đầy sình, rác khiến TP HCM lâm vào tình cảnh tự mình làm khó mình. Đó là chưa kể đến ý thức của người dân, sự biến chuyển thất thường của khí hậu cũng như độ trung thực tại các công trình xây dựng. Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang từng phát biểu: “Ngập do nhiều đường không có cống”.

Tôi cho rằng, trong khi chưa tìm được một giải pháp tổng thể có khả năng giải quyết triệt để tình trạng ngập lụt, nhà chức trách trước mắt nên rà soát lại bản đồ kênh rạch của thành phố và nghiêm túc nghĩ về việc khôi phục một số dòng kênh đã bị lấp làm đường.

Nguồn: Ngô Nguyệt Hữu – VnExpress

Tin khác đã đăng