Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý đất đai



Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực cải cách hành chính về đất đai, thời gian qua, Tổng cục Quản lý đất đai đã tăng cường ứng dụng và vận hành công nghệ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), hệ thống thông tin đất đai.

ung-dung-cong-nghe

Tăng cường ứng dụng và vận hành công nghệ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai. Ảnh: Hoàng Minh

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, xác định ứng dụng CNTT trong lĩnh vực trong lĩnh vực quản lý đất đai có vai trò quan trọng, thời gian qua, Tổng cục đã tăng cường ứng dụng nhiều phần mềm liên quan tới xây dựng CSDL và hệ thống thông tin đất đai. Các phần mềm và CSDL này đã hỗ trợ tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong tình hình hiện nay. Đơn cử như: Tổng cục đã triển khai, đưa CSDL vào vận hành, khai thác, sử dụng “Dự án tổng thể về xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai” tại 58 đơn vị cấp huyện trên tổng số 18 tỉnh/thành phố; “Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP)” đầu tư cho 59 huyện thuộc địa bàn 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang.

Trước đây, để xây dựng bản đồ, các cán bộ đo đạc phải dùng thiết bị đo đạc cơ khí (máy bàn đạc, máy toàn đạc cơ) có độ chính xác thấp; biên vẽ, tính diện tích bằng phương pháp thủ công (ván vẽ, phim tính diện tích, thước đo độ…); tăng dày lưới khống chế bằng thước thép và máy kinh vĩ hoặc các máy toàn đạc điện tử có độ chính xác không cao; xây dựng sổ đo, sổ mục kê, nhập liệu một cách thủ công. Cách làm này không bảo đảm độ chính xác của số liệu, dễ nhầm lẫn và tốn nhiều thời gian để đo đạc.

Hiện nay, với sự hỗ trợ các phần mềm, thiết bị điện tử đã giúp tiến độ và chất lượng đo đạc được nâng lên rõ rệt; bảo đảm độ chính xác theo quy phạm một cách dễ dàng. Sản phẩm đo đạc bản đồ được thành lập dạng số giúp cho việc lưu trữ, khai thác sử dụng tiện lợi. Bên cạnh đó, với kho dữ liệu cơ sở dữ liệu đất đai đang được xây dựng, tới đây, người sử dụng có thể truy cập và tra cứu thêm nhiều thông tin như: Chủ sử dụng, nguồn gốc cũng như loại đất, diện tích, công trình, tài sản trên đất… Đồng thời, cán bộ ngành có thể dễ dàng cập nhật thông tin, điều chỉnh những biến động về đất đai khi kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT còn giúp giảm những hạn chế, tiêu cực phát sinh, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai.

Thời gian qua, tại một số địa phương như: TP. Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long, do thực hiện Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam – Dự án VLAP”, đến nay, đã xây dựng được một nền tảng hạ tầng cơ bản dạng số phục vụ cho công tác quản lý đó là hệ thống hồ sơ địa chính, CSDL đất đai đầy đủ, đồng bộ trên các phần mềm. Trên cơ sở đó, các địa phương đã đưa vào vận hành khai thác, sử dụng hữu ích, hầu hết các nội dung quản lý Nhà nước về đất đai đã được tác nghiệp trực tiếp trên CSDL trong môi trường hiện đại đã giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính, việc công khai, minh bạch đã được khẳng định rõ ràng, CSDL địa chính được thường xuyên cập nhật đảm bảo tính chính xác và thống nhất.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội và tỉnh Vĩnh Long, Thái Bình đã và đang thực hiện liên thông CSDL địa chính với cơ quan thuế, ngân hàng góp phần giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nhờ đó, các tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp tra cứu hoặc cung cấp thông tin đất đai trên môi trường Web mà không nhất thiết phải trực tiếp đến cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, đã phối hợp với cơ quan Bưu chính viễn thông để ứng dụng cung cấp thông tin đất đai và thông báo trả kết quả xử lý các giao dịch về đất đai thông qua hình thức SMS như: Vĩnh Long, Thái Bình, Hà Nội và Khánh Hòa. Đặc biệt, thông qua hình thức chia sẻ kinh phí cung cấp thông tin đất đai với cơ quan Bưu chính viễn thông, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Long đã bảo đảm được một phần kinh phí hoạt động giảm gánh nặng ngân sách của Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến kết quả đầu tư và bền vững của Dự án sau khi kết thúc. Đó là, mặc dù các địa phương đã bố trí ngân sách trả thuê bao đường truyền để duy trì và vận hành hệ thống thông tin đất đai, nhưng chỉ có tỉnh Vĩnh Long đã bảo đảm việc liên thông từ cấp xã – huyện – tỉnh, các tỉnh, thành phố còn lại chỉ bố trí kinh phí thuê bao đường truyền đến cấp huyện, do đó việc kết nối liên thông và vận hành hệ thống xã – huyện – tỉnh theo thiết kế của Dự án chưa được bảo đảm; một số tỉnh còn tồn đọng GCN đã ký nhưng chưa trao cho người sử dụng đất như Bình Định và Tiền Giang.

Vì vậy, để bảo đảm tính hiệu quả và bền vững của sản phẩm, đưa công tác quản lý đất đai sớm đi vào nền nếp, chính quy và hiện đại, mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã đề nghị Chủ tịch các tỉnh, thành phố tham gia dự án VLAP trước đây tiếp tục quan tâm, lãnh đạo các cấp ủy đảng, UBND các cấp, các ngành địa phương chỉ đạo thực hiện việc bố trí kinh phí cho Văn phòng Đăng ký đất đai và thuê bao đường truyền hằng năm để bảo trì, vận hành và khai thác hệ thống theo mô hình liên thông xã – huyện – tỉnh, bảo đảm hệ thống được hoạt động liên tục thông suốt; chỉ đạo các ngành tổ chức liên thông dữ liệu, trước mắt là TN&MT, tài chính, ngân hàng và xây dựng, bảo đảm việc ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ công về đất đai ở mức độ 3 vào năm 2017.

Bên cạnh đó, rà soát, chỉ đạo Sở TN&MT tổ chức thực hiện việc quản lý và vận hành CSDL đất đai tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh, thực hiện liên thông, chia sẻ CSDL đất đai phục vụ đa mục tiêu và triển khai việc cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp được hiệu quả.

Nguồn: Tuyết Nhi – TN&MT

Tin khác đã đăng